Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động trong giải quyết công việc

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, sáng 23/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, việc bàn, thảo luận, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế làm việc của Thành ủy nhằm bổ sung một số nội dung mới do được Trung ương phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội; đảm bảo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động trong giải quyết công việc của chính quyền theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị lần thứ 19, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII sẽ họp bàn các nội dung quan trọng, gồm: Bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XVII; sửa đổi Quy định số 12-QĐ/TU ngày 8/5/2023 của Thành ủy Hà Nội về “Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Cho ý kiến về Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Hội nghị.

Gợi mở các nội dung trọng tâm đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố được ban hành sớm ngay sau khi đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố thành công tốt đẹp.

Quy chế đã được thực hiện nghiêm túc, phát huy tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đồng chí Bí thư Thành ủy, các Phó Bí thư Thành ủy, đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ công tác của Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và trên mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống xã hội của Thành phố. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cũng thường xuyên được bổ sung, sửa đổi nhằm phát huy hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thành ủy.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc bàn, thảo luận, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế làm việc của Thành ủy lần này nhằm bổ sung một số nội dung mới do được Trung ương phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội; đảm bảo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động trong giải quyết công việc của chính quyền theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện, làm thay chính quyền hoặc buông lỏng công tác lãnh đạo.

Đồng thời, để đảm bảo đồng bộ giữa các Quy chế, Quy định của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đề xuất ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Quy định số 12-QĐ/TU ngày 8/5/2023 về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cho phù hợp với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Quy chế làm việc của Thành ủy.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn để đóng góp, bổ sung, hoàn chỉnh quy chế làm việc của Thành ủy, quy chế quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; từ thực tiễn chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, các đại biểu có thể phát biểu bổ sung những nội dung ngoài những nội dung Ban Thường vụ Thành ủy đã trình.

Đối với dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Dự thảo trình hội nghị đã được Tiểu ban văn kiện chuẩn bị sớm, báo cáo và tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị, với tinh thần dân chủ, khách quan, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, các đại biểu dự hội nghị tiếp tục thảo luận, góp ý để thống nhất về phương châm và chủ đề đại hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá ưu điểm, kết quả, thành tích đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm...; mục tiêu tổng quát, 23 chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng và 6 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu sẽ được đề ra trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết, thời gian vừa qua, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, có lúc ngoài dự báo, đã gây tổn thất lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, như cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua. Song, Thành ủy và các cấp ủy đảng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả do các cơn bão gây ra, bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Để phù hợp bối cảnh Thủ đô và cả nước tập trung hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ gây ra, thể hiện trách nhiệm của Thủ đô và tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Hà Nội đã hỗ trợ trên 83 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do bão lũ.

Thành phố cũng triển khai rất thành công nhiều sự kiện lớn như Diễn tập khu vực phòng thủ; các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được điều chỉnh quy mô phù hợp, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, có ý nghĩa thiết thực, khơi dậy, bồi đắp niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân Thủ đô, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-phan-cap-uy-quyen-tang-tinh-chu-dong-trong-giai-quyet-cong-viec-179530.html
Zalo