Đẩy mạnh liên kết vùng Đông Nam Bộ và Long An, thúc đẩy quỹ phát triển vùng

Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và Long An đang tăng cường hợp tác liên vùng, tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, xây dựng quỹ phát triển.

 Đông Nam Bộ được xác định là đầu tàu kinh tế và là động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả nước

Đông Nam Bộ được xác định là đầu tàu kinh tế và là động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả nước

Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhu cầu tăng cường phối hợp, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án liên vùng. Việc hình thành quỹ phát triển vùng là yếu tố quan trọng nhưng hiện nay vẫn chưa được triển khai đúng tiến độ.

Theo ông Phan Văn Mãi, vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt kinh tế cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, các tỉnh, thành trong vùng cần cùng nhau suy nghĩ, bàn thảo, thực hiện những hành động lớn, nhất là trong triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, Quỹ phát triển hạ tầng vùng đã được các địa phương đề xuất nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, bà đề xuất sửa đổi một số điều của Nghị định 147 và các tiêu chí nâng cấp quỹ đầu tư phát triển địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh trong vùng tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng, tạo môi trường sống và làm việc tốt hơn cho người dân. Ông nhấn mạnh cần phối hợp khẩn trương hoàn thành các dự án như đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công đường Vành đai 4.

 Nút giao đường Quốc lộ 1A với Xa lộ Hà Nội

Nút giao đường Quốc lộ 1A với Xa lộ Hà Nội

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, theo Kế hoạch phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam bộ, có 43 nội dung phối hợp song phương giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng. Đến cuối năm 2024, đã hoàn thành 27/43 nội dung; 15 nội dung hoàn thành một phần và 1 nội dung đang triển khai.

Trong lĩnh vực giao thông, TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, bảo đảm đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp bổ sung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp thẩm quyền thẩm định dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, trong năm 2025, các tỉnh trong vùng cần tiếp tục theo đuổi, kiến nghị ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. Đồng thời, ông đề nghị xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp đầu tư đường ven biển trong giai đoạn 2025 - 2030 để phục vụ phát triển các cảng biển lớn trong vùng. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện dự án đường ống dẫn dầu, khí từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Long An, Đồng Nai.

 Nút giao đường Vành đai 3 với Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, điểm kết nối vùng Đông Nam Bộ với Long An

Nút giao đường Vành đai 3 với Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, điểm kết nối vùng Đông Nam Bộ với Long An

TP. Hồ Chí Minh đang trình Thủ tướng Quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong việc đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc, đường sắt trong vùng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh rằng, thời gian tới cần tập trung triển khai quy hoạch chung, rà soát các quy hoạch phân khu. Ông cho rằng các dự án đang triển khai cần được theo dõi chặt chẽ để bảo đảm tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm có tính kết nối liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4.

Trong năm 2025, các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ tập trung thực hiện 16 nội dung trọng tâm, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án này sẽ được triển khai khẩn trương. Đồng thời, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ còn thống nhất kế hoạch chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng xanh, triển khai chương trình kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh hàng năm, nghiên cứu đề án phát triển ngành logistics vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Ngọc Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/day-manh-lien-ket-vung-dong-nam-bo-va-long-an-thuc-day-quy-phat-trien-vung-post402187.html
Zalo