Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

Xác định tiêu dùng nội địa là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng nên thời gian qua, Chính phủ, ngành Công Thương, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu. Các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp phân phối… tổ chức nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi tập trung nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và tăng trưởng doanh thu.

Đặc biệt Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội để tăng sức mua của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân, chia sẻ: Hệ thống bán lẻ thuộc tập đoàn như GO!, Tops Market, Nguyễn Kim… đã giảm giá bán các sản phẩm, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm hơn. Chiến lược giá của doanh nghiệp là cung cấp các loại hàng hóa với mức giá tốt nhất và cung cấp nhiều loại thực phẩm tươi sống có giá cạnh tranh. Qua đó, giúp người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

Với sự vào cuộc quyết của Chính phủ, chính quyền các địa phường, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, hi vọng sức mua sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2024

Với sự vào cuộc quyết của Chính phủ, chính quyền các địa phường, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, hi vọng sức mua sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2024

Còn theo đại diện một hệ thống bán lẻ tại TP. Đà Nẵng, việc thuế GTGT giảm 2% kéo dài đến cuối năm 2024 sẽ tạo điều kiện để giảm giá thành, tạo điều kiện kích cầu thị trường tiêu thụ hàng hóa. Thời gian tới, ngành Công Thương cần triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm đơn giản hóa các thủ tục để triển khai nhanh đến các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong cả nước.

Theo các chuyên gia, chính sách giảm thuế GTGT có ý nghĩa quan trọng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, tác động tích cực đến sự phục hồi của tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Cùng với việc các doanh nghiệp triển khai các chương trình kích cầu, hy vọng việc chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng sẽ tăng rõ rệt vào những tháng cuối năm 2024. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, trong tháng 9/2024, đơn vị đã triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với các cấp độ thiên tai trên địa bàn. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mãi mua sắm tập trung tháng cuối năm và cận Tết Nguyên đán 2025. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất chủ trương xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố.

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng cho hay, chi nhánh đang phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn đẩy mạnh triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hành động của UBND TP. Đà Nẵng.

Riêng thời gian từ nay đến cuối năm 2024, ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên tại địa phương, như triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình 15.000 tỷ đồng nâng quy mô thành gói 30.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Cùng với đó là cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn và cho vay tiêu dùng. Qua đó, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất tốt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mua sắm trong những tháng cuối năm.

Chí Thiện

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/day-manh-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-157115.html
Zalo