Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

Để Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' trên địa bàn Thủ đô phát triển bền vững và đi vào cuộc sống, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Hà Nội mong muốn huyện Mê Linh quan tâm đẩy mạnh kết nối cung - cầu; thiết lập các kênh phân phối mới như thương mại điện tử; có giải pháp chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; quan tâm tổ chức du lịch kết hợp với quảng bá sản phẩm địa phương…

Sáng 19/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động tại huyện Mê Linh.

Cùng tham gia đoàn kiểm tra có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phạm Thị Nguyên Hạnh - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội; Trịnh Quang Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội; đại diện Sở Công Thương Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tuyên giáo và Đối ngoại Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố…

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội làm việc tại huyện Mê Linh. (Ảnh: B.Duy)

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội làm việc tại huyện Mê Linh. (Ảnh: B.Duy)

Đẩy mạnh tuyên truyền, gắn liền với quảng bá sản phẩm

Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Mê Linh năm 2023 và 10 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh Chu Thị Hậu cho biết: Hiện huyện Mê Linh có trên 1.800 doanh nghiệp; 81 hợp tác xã, hơn 10 nghìn hộ kinh doanh cá thể.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện chỉ đạo triển khai thực hiện với hình thức, đa dạng, phong phú: thông qua việc tổ chức các hội nghị, các buổi tập huấn, các cuộc sinh hoạt của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện tới cơ sở; tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng biên soạn đưa nội dung tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử huyện, trang fanpage của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, thiết lập các nhóm zalo...

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động; nhận diện hàng Việt; tổ chức 65 hội nghị tuyên truyền giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất cho 73.285 lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên tham dự; cấp phát 143 quyển Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2023 tới cán bộ và nhân dân…

Cùng với công tác tuyên truyền, hằng năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện còn quan tâm triển khai tốt các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các sản phẩm OCOP của huyện, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, trọng tâm là tổ chức các hội chợ, lễ hội như lễ hội hoa Mê Linh, đón trên 100 nghìn lượt người đến tham quan…

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện phối hợp với chính quyền huyện hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam trong triển khai giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, tham gia Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích”; hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng mã hình QR in trên tem chống hàng giả để biết nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường, không bị nhầm sử dụng phải hàng giả, hàng nhái.

Năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Nam Bộ, tại khuôn viên đền thờ Hai Bà Trưng. Sự kiện đã thu hút trên 120.000 người tham gia tham quan mua sắm, doanh số bán hàng tại sự kiện ước đạt trên 6 tỷ đồng.

Trao đổi thêm về các sản phẩm OCOP của địa phương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hồng cho biết: UBND huyện Mê Linh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm OCOP” huyện Mê Linh năm 2023. Hiện, huyện Mê Linh hiện có hơn 104 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Trong năm nay, huyện tiếp tục đánh giá, phân hạng 26 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm mới.

Huyện cũng hỗ trợ phát triển, kết nối sản phẩm OCOP giữa các vùng miền, duy trì hoạt động 9 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Năm 2024, huyện hỗ trợ phát triển thêm 2-3 điểm bán hàng OCOP, qua đó tăng cường thúc đẩy giới thiệu, phát triển sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mê Linh thông tin về việc triển khai Cuộc vận động tại địa phương. (Ảnh: B.Duy)

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mê Linh thông tin về việc triển khai Cuộc vận động tại địa phương. (Ảnh: B.Duy)

Đáng chú ý, qua triển khai thực hiện Cuộc vận động, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình như: “Câu lạc bộ nữ doanh nhân”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” của Hội Phụ nữ; mô hình “Cánh đồng sạch” của Hội Nông dân; mô hình “Hội thi tay nghề giỏi”; phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động và nâng cao hiệu quả các phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo” của Liên đoàn Lao động huyện; mô hình “Thanh niên khởi nghiệp” của Đoàn Thanh niên huyện...

Đánh giá về việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện, ông Lê Sỹ Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho biết: Cuộc vận động được triển khai thực hiện đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm đồng thuận của người dân, sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp tham gia, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Thông qua Cuộc vận động, chất lượng hàng Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, đảm bảo hơn. Cuộc vận động đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội trong quá trình xây dựng huyện đô thị giàu đẹp, văn minh.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội khảo sát tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh). (Ảnh: B.Duy)

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội khảo sát tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh). (Ảnh: B.Duy)

Thông tin thêm về hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mê Linh cho biết: Hiện nay, ngoài rau và hoa Mê Linh, thêm một số thương hiệu của Mê Linh được người dân biết đến như chả cốm, trà sen Mê Linh... Ông Tuấn cũng cho biết, tới đây, huyện sẽ tiếp tục tổ chức Festival hoa Mê Linh lần thứ hai để quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm đặc sắc của địa phương.

Quan tâm hỗ trợ quảng bá thế mạnh của sản phẩm OCOP

Tại buổi kiểm tra, các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Mê Linh cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động; kiểm tra, giám sát; bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao… qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần Cuộc vận động bền vững và đi vào cuộc sống, để người Việt Nam luôn ưu tiên lựa chọn tiêu dùng, sử dụng hàng Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đánh giá cao sự vào cuộc của Huyện ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể của huyện Mê Linh trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt; tổ chức các hoạt động kết nối đưa hàng Việt tới gần hơn người Việt thông qua việc tổ chức hội chợ, lễ hội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh…

“Kết quả trên khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể huyện trong thực hiện Cuộc vận động”, ông Nguyễn Sỹ Trường khẳng định.

Nhấn mạnh triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động là giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng và Thủ đô nói chung, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đề nghị huyện Mê Linh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào 3 đối tượng: Đó là tuyên truyền về tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, để người dân hiểu, quan tâm ủng hộ sử dụng, tiêu dùng hàng Việt; tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu hàng Việt Nam phải chinh phục được người tiêu dùng qua nâng cao chất lượng sản phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong gương mẫu, đi đầu thực hiện cuộc vận động và triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Đoàn kiểm tra đã tới khảo sát tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh). (Ảnh: B.Duy).

Đoàn kiểm tra đã tới khảo sát tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh). (Ảnh: B.Duy).

Bên cạnh đó, huyện cần có các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, các hộ sản xuất đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, qua đó tạo ra các sản phẩm chất lượng, cạnh tranh; quan tâm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp phát huy, quảng bá thế mạnh của sản phẩm OCOP…

Song song với đó, có giải pháp kết nối cung - cầu; đẩy mạnh thiết lập các kênh phân phối mới như thương mại điện tử; có giải pháp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Quan tâm tổ chức du lịch kết hợp với quảng bá sản phẩm địa phương; các hoạt động du lịch trải nghiệm…

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành viên trong Ban Chỉ đạo làm tốt chức năng của mình, qua đó để Cuộc vận động ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện; tăng cường kết nối với quận/huyện bạn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Đặc biệt, cần quan tâm đến công tác tôn vinh, khen thưởng, biểu dương, nhân rộng, lan tỏa mô hình hay, cách làm tốt, qua đó lan tỏa mạnh mẽ Cuộc vận động.

Trước khi vào buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã tới khảo sát tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh).

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-ket-noi-cung-cau-nang-cao-gia-tri-san-pham-dia-phuong-180845.html
Zalo