Đẩy mạnh hợp tác với Intel, Samsung,... tiến tới làm chủ công nghệ bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các cấp, ngành đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp lớn như: Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron để từ đó từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về bán dẫn, chuyển giao và dần tiến tới làm chủ công nghệ.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Phiên họp thứ nhất ngày 14/12/2024.
Thông báo kết luận nêu rõ, phát triển công nghiệp bán dẫn hiện là xu hướng chung của thế giới. Việt Nam có những lợi thế chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn như trữ lượng đất hiếm đứng trong nhóm đầu thế giới, vị trí địa lý thuận lợi ở trung tâm khu vực sản xuất chính của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nguồn nhân lực dồi dào và nhiều tiềm năng.
Theo đó, quan điểm, mục tiêu của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là coi phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện, tập trung triển khai, đầu tư, đồng thơìkhơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các đơn vị tăng cường hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế sở hữu năng lực sản xuất bán dẫn, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, vật liệu, linh kiện bán dẫn.
Đặc biệt, cần thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, nhất là các doanh nghiệp có vai trò quyết định hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam, đặt văn phòng, xây dựng các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm về bán dẫn tại Việt Nam.
Thủ tướng đề xuất các cấp, ngành đẩy mạnh quan hệ đối tác với các doanh nghiệp lớn về bán dẫn như: Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron để từ đó từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về bán dẫn, chuyển giao và dần tiến tới làm chủ công nghệ.
Ngoài việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tăng sức cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan nghiên cứu cắt giảm chi phí tuân thủ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển bán dẫn.
Thủ tướng giao các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt về cung cấp nguồn điện ổn định, đủ công suất và nước sạch, hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Song song với đó, các địa phương cần thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn triển khai, phát huy những cơ chế ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Trong đó, Thủ tướng đề nghị ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thiết lập cơ chế một cửa liên thông quốc gia (One-Stop Service) để hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đầu tư và các vấn đề liên quan khác.
“Cần tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp bán dẫn, tư vấn, tiếp nhận, tham mưu cấp phép và theo dõi tiến độ các dự án đầu tư về công nghiệp bán dẫn, dành mức ưu tiên xử lý cao nhất đối với hồ sơ thủ tục các dự án”, thông báo kết luận nêu rõ.