Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, diễn đàn nghị viện với chủ đề hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Ngày 21/1 tại TP Cần Thơ, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức diễn đàn nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu.
Diễn đàn là một trong những hoạt động của Nghị viện Pháp ngữ sau hội nghị Thượng đỉnh Paris nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ; khuyến khích ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công - tư; quảng bá tiếng Pháp, thúc đẩy đa dạng văn hóa và nhấn mạnh quyết tâm của các nước Pháp ngữ trong việc thực hiện phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Diễn đàn cũng là dịp để các đại biểu tham dự thảo luận về các ý tưởng và hành động của các nghị viện thành viên Pháp ngữ nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đồng thời phải ứng phó với biến đổi khí hậu; các nghị sĩ chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay trong xây dựng chính sách, pháp luật để phát triển nông nghiệp bền vững vì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong xóa đói, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Năm 2024, Việt Nam đã đạt nhiều thành quả ấn tượng, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô kinh tế đạt khoảng 476 tỷ USD, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục đạt khoảng 800 tỷ USD, trong đó có 62 tỷ USD từ nông nghiệp; đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 40 tỷ USD, kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định.
Đặc biệt, nông nghiệp là một trong những thành quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Nhờ sự đầu tư vững chắc cho nông nghiệp, Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực mà còn cung cấp lương thực, nông sản cho thế giới. Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục, trong đó, xuất khẩu gạo hơn 9 triệu tấn, đạt giá trị khoảng 5,7 tỷ USD.
“Việt Nam luôn xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; việc đảm bảo an ninh lương thực là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người.
Với những thành quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang cùng một số thành viên Pháp ngữ châu Phi, triển khai hợp tác Nam - Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển) và hợp tác ba bên một cách hiệu quả.
Đồng thời, hợp tác trong lĩnh vực này cần được thúc đẩy hơn nữa, nhất là với sự tham gia của các quốc gia phát triển trong Pháp ngữ. Hợp tác về nông nghiệp sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.