Đẩy mạnh hợp tác nghị viện để tăng trưởng bền vững và bao trùm trong ASEAN
Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-43 tại Campuchia, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban về Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán của Quốc hội Campuchia Chheang Vun, Ủy ban Kinh tế của AIPA đã họp, xem xét thông qua 3 Nghị quyết.
Đoàn Việt Nam có Phó Chủ nhiệm Ủy ban hoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung tham dự phiên họp.
Bám sát chủ đề của Đại hội đồng AIPA-43 “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững”, Ủy ban Kinh tế đã thảo luận và xem xét và thông qua 3 Nghị quyết gồm:
Nghị quyết về Đẩy mạnh hợp tác nghị viện để tăng trưởng bền vững và bao trùm trong ASEAN thông qua cách tiếp cận về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)(do Campuchia đề xuất, Việt Nam đồng bảo trợ): Nghị quyết này đề cập đến các lĩnh vực trọng tâm chính vì một tương lai bền vững và linh hoạt ở ASEAN được nêu trong Kế hoạch thực hiện Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, đề xuất phát triển Thỏa thuận Xanh ASEAN của Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch ASEAN 2022, và Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Cùng nhau giải quyết các thách thức, được thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2022 tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.
Đồng thời, đề nghị các nghị viện trong ASEAN hợp tác làm việc để khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của các nghị viện và nghị sĩ, không chỉ trong công tác xây dựng pháp luật mà còn trong hỗ trợ phát triển bền vững, cũng như để tìm ra các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh trách nhiệm xã hội (CSR) trong các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong cộng đồng ASEAN. Yêu cầu các chính phủ của các quốc gia cùng hành động để phát triển các tiêu chuẩn khu vực về ESG, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phục hồi xanh thông qua việc đầu tư và phát triển năng lượng sạch và tái tạo, ứng dụng các công nghệ và thông lệ xanh, bảo vệ môi trường và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm...
Trong quá trình thảo luận và hoàn thiện Nghị quyết, Đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp cho nội dung Nghị quyết về một số chủ đề như: nâng cao năng lực quản trị; khuyến khích ứng dụng quản trị số, đặc biệt trong hỗ trợ y tế; phát triển các kế hoạch và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn ESG phù hợp với từng vùng, từng quốc gia; phổ biến nhận thức và ý thức về việc áp dụng các tiêu chí ESG... Sau đó, Đoàn Việt Nam đã có đề xuất về việc cùng với Campuchia đồng bảo trợ Nghị quyết này, được thành viên Đoàn các nước bạn ủng hộ và đồng thuận.
Nghị quyết về Thúc đẩy năng lực phát triển cho doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSMEs) trong chuyển đổi kỹ thuật số (do Campuchia đề xuất): Nghị quyết này yêu cầu các chính phủ của các quốc gia thành viên ASEAN cùng tất cả các bên liên quan, bao gồm cả nghị viện, phải làm việc cùng nhau, hỗ trợ thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và đầu tư trong khu vực, thúc đẩy phát triển năng lực và hiểu biết về tài chính, khởi xướng các chương trình khuyến khích và phát triển MSMEs, đồng thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật số cho các MSMEs thông qua công nghệ và các cơ chế chuyển giao kiến thức để họ có thể tồn tại và duy trì khả năng phục hồi và hoạt động kinh tế. Việc này giúp tăng cường năng lực của các MSMEs trong khu vực ASEAN trong việc cải thiện năng suất, chất lượng và tiêu chuẩn, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận với các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Nghị quyết cũng thúc đẩy chính phủ của các quốc gia thành viên ASEAN ban hành và hành động theo các kế hoạch và chiến lược kết nối kỹ thuật số trong Sáng kiến Kế hoạch Công tác Hội nhập ASEAN IV (2021-2025) để thúc đẩy việc tăng tốc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong các nền tảng kinh tế và xã hội, cũng như đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) tại ASEAN. Đoàn Việt Nam hoàn toàn nhất trí với tinh thần của Nghị quyết và đã có một số ý kiến đóng góp vào việc thúc đẩy việc áp dụng và hỗ trợ chuyển đổi số.
Nghị quyết về Tối ưu hóa sự tham gia của doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSMEs) trong ngành du lịch để phục hồi kinh tế(do Indonesia đề xuất): Nghị quyết tái khẳng định tầm quan trọng của MSMEs và ngành du lịch đối với phát triển kinh tế đã được đề cập trong các Nghị quyết về Phục hồi kinh tế sau Covid-19 được thông qua tại Đại hội đồng AIPA-42. Nghị quyết nhấn mạnh việc các Nghị viện thành viên AIPA, thông qua các chức năng của mình, cần phải nỗ lực và tăng cường hợp tác chặt chẽ và có ý nghĩa, bao trùm nhưng không giới hạn ở việc chia sẻ thông tin, trao đổi các phương pháp tối ưu và phát triển năng lực. Đồng thời, làm cầu nối trong khoảng cách kỹ thuật số giữa các nhóm và giữa các khu vực du lịch thành thị và nông thôn, bảo đảm rằng hệ thống pháp luật hoặc các biện pháp khác về khôi phục Covid-19 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, bao gồm cả nguồn lực vật chất và tài chính, đối đầu và vượt qua những thách thức hiện có của MSMEs trong lĩnh vực này. Đoàn Việt Nam cơ bản ủng hộ Nghị quyết này, đồng thời đã có một số đề xuất về việc thúc đẩy kết nối du lịch thông qua nghiên cứu, hợp tác và xây dựng các tour, tuyến phù hợp giúp phát triển ngành du lịch trong khu vực ASEAN ngày càng sôi động và hỗ trợ MSMEs gia nhập thị trường.
Tại Phiên họp, Đoàn Việt Nam và các quốc gia thành viên AIPA đã tích cực tham gia đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đối với các dự thảo Nghị quyết. Các nước đều nhất trí cao với các chủ đề được đưa ra, tích cực nêu các đề xuất và thảo luận sôi nổi, đóng góp vào việc hoàn thiện các Nghị quyết. Phần lớn các đề xuất tại phiên họp đã được chấp thuận và đưa vào dự thảo cuối cùng để Ủy ban Kinh tế thông qua.