Đẩy mạnh giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử
Đây là mục tiêu Bộ, ngành Tư pháp quyết tâm thực hiện nhằm tạo điều kiện cho người dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Nhờ ứng dụng CNTT, người dân ngày càng thuận lợi hơn khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch. (Ảnh minh họa: phobienphapluat.vn)
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký hộ tịch
Nghị định số 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực của Chính phủ ban hành ngày 09/01/2025 được đánh giá là bước tiến mới trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực nói trên.
Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Đồng thời để triển khai thực hiện thống nhất quy định của Nghị định số 07/2025/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định số 07/2025/NĐ-CP tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó tập trung lưu ý khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn, trừ trường hợp cha, mẹ trẻ là người nước ngoài); khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) mà thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ, tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành xác minh theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định số 07/2025/NĐ-CP.
Bộ Tư pháp đề nghị các đơn vị liên quan bảo đảm các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, triển khai kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân đúng quy định.
Giúp người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các quyền dân sinh
Thời gian qua, công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được ngành Tư pháp triển khai thực hiện nền nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, bám sát các nhiệm vụ giao tại các Đề án trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Thể chế pháp luật tiếp tục được chú trọng, hoàn thiện; việc triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” được tập trung triển khai thực hiện, nổi bật là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử tiếp tục được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ được toàn ngành triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, điển hình là việc số hóa sổ hộ tịch và thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, việc liên thông các nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn..., qua đó góp phần giúp cho người dân ngày càng thuận lợi trong việc thực hiện các quyền dân sinh. Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp tập trung hoàn thành các nhiệm vụ tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024.
Năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành; triển khai hiệu quả Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch” theo lộ trình đã được phê duyệt; thực hiện có hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch hành động của Bộ Tư pháp triển khai Đề án 06; đề xuất, mở rộng phạm vi triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm liên thông dữ liệu cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, thông tin tử vong để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên môi trường điện tử”; nghiên cứu, đề xuất các định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC trong lĩnh vực hộ tịch trên môi trường điện tử phù hợp với chủ trương chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2025 - 2030.
Năm 2024, các địa phương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1.435.566 trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho 434.902 trường hợp, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 8.652 trường hợp; đăng ký khai tử cho tổng số 654.031 trường hợp; đăng ký kết hôn cho tổng số 616.475 trường hợp...
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, việc thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC (Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí) ở giai đoạn đầu triển khai vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật; hạ tầng, phương tiện kỹ thuật phục vụ công chức tư pháp - hộ tịch chưa được đồng bộ ở một số địa phương; yêu cầu số hóa dữ liệu hộ tịch rất lớn nhưng chưa được đầu tư nguồn lực tương xứng…