Đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế

Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2022-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã tạo bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp.

Công tác dạy và học ngoại ngữ cũng được tổ chức linh hoạt theo hướng mở, từng bước nâng cao chất lượng theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế.

Dạy và học ngoại ngữ theo hướng mở

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, cùng với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt (TP. Pleiku) đã liên kết với các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn tổ chức giảng dạy có hiệu quả. Nhà trường cũng xây dựng, phát triển môi trường thực hành trong từng bài giảng của môn Tiếng Anh và tập trung khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ.

Trên cơ sở đó, Ban Giám hiệu nhà trường bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp để nâng cao chất lượng môn học. Đặc biệt, với tiết Tiếng Anh, nhà trường sắp xếp với mô hình lớp học nhỏ, sĩ số ít để học sinh và giáo viên được tương tác với nhau nhiều hơn. Từ đó, các em có điều kiện phát triển toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và tự tin khi giao tiếp tiếng Anh.

 Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt trong tiết học Tiếng Anh. Ảnh: T.D

Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt trong tiết học Tiếng Anh. Ảnh: T.D

Cô Nguyễn Hoàng Mỹ Hạnh-Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh-cho biết: “Cùng với việc tích cực đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp dạy học, nhiều hoạt động bổ ích được lồng ghép trong môn Tiếng Anh như: giao lưu đọc, viết tiếng Anh theo chủ đề tiết học giữa các khối lớp; trò chơi để phát huy khả năng nói; tự làm clip hội thoại tiếng Anh... Đối với học sinh lớp 1 và lớp 2, chúng tôi triển khai dạy theo chương trình GrapeSEED. Đây là chương trình chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp, giúp trẻ tiếp cận tiếng Anh một cách tự nhiên, từ đó hình thành sự tự tin cùng khả năng sử dụng ngôn ngữ trôi chảy, thành thạo. Điểm mới của chương trình là duy trì phương pháp học vui vẻ và lôi cuốn”.

Tương tự, việc đổi mới phương thức dạy và học tiếng Anh đã giúp học sinh Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Prông) rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Song song với tiết học chính khóa, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt liên quan đến việc sử dụng tiếng Anh dưới hình thức câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ hay các phong trào học, sử dụng ngoại ngữ ngày càng được nhân rộng.

Em Cấn Thị Minh Phương (lớp 9A4) bày tỏ: “Mở rộng ngôn ngữ tiếng Anh không chỉ giúp chúng em có khả năng giao tiếp mà còn là cơ hội để khám phá và hiểu sâu về các vùng đất khác nhau trên thế giới. Chính vì vậy, em rất đam mê môn học này. Tham gia Câu lạc bộ Tiếng Anh của trường, em cùng 60 thành viên khác được sáng tạo trong học tập, sử dụng ngoại ngữ thông qua các hoạt động như: diễn kịch, hát, trò chơi, hùng biện... Ngoài ra, chương trình phát thanh măng non của trường cũng linh động cho chúng em thể hiện dưới hình thức bảng tin song ngữ để nâng cao kỹ năng nghe, đọc của học sinh”.

 Cô và trò Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Prông) trong một tiết học tiếng Anh. Ảnh: T.D

Cô và trò Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Prông) trong một tiết học tiếng Anh. Ảnh: T.D

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An Nguyễn Hồ Thu Trinh cho hay: Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh theo hướng hội nhập, nhà trường đã tăng cường tiếng Anh cho học sinh ở mọi lúc, mọi nơi. Khuôn viên trường được trang trí bằng các pa nô, poster với nhiều chủ đề về từ vựng, ngữ pháp hay các câu khẩu hiệu, danh ngôn song ngữ để học sinh có thể ghi nhớ. Nhà trường cũng xây dựng khu đọc sách, truyện, tạp chí bằng tiếng Anh; thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh. Cùng với đó là đầu tư trang bị cơ sở vật chất (ti vi, máy tính kết nối mạng) phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ.

Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT: Ngành tiếp tục kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực môn Tiếng Anh; xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ môn Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phát huy lợi ích của AI để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, thúc đẩy giáo dục cá nhân hóa, nâng cao tinh thần tự học, đổi mới và nâng cao hiệu quả giảng dạy; rà soát và bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho 200 giáo viên môn Tiếng Anh các cấp học phổ thông nhằm nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuẩn bị các điều kiện để triển khai đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin cũng được Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ) ứng dụng có hiệu quả. Cùng với việc lựa chọn, bổ sung trang-thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, nhà trường còn đưa vào sử dụng nền tảng học trực tuyến Office 365 trong dạy và học ngoại ngữ.

Thầy Nguyễn Thành Nhựt-Giáo viên môn Tiếng Anh-cho hay: “Từ nền tảng này, chúng tôi có thể phân tích dữ liệu học tập và đưa ra gợi ý cá nhân hóa, giúp học sinh cải thiện kết quả học tập. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), giáo viên xây dựng đề kiểm tra phù hợp với trình độ của học sinh. Mỗi học sinh cũng có thể nâng cao khả năng tự học thông qua việc làm bài tập, quay video và được hỗ trợ các bài đọc, nghe theo hướng chuẩn quốc tế”.

 Gia Lai chú trọng phát triển Tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh :T.D

Gia Lai chú trọng phát triển Tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh :T.D

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thành, hoạt động bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên ngoại ngữ được nhà trường quan tâm thực hiện hàng năm. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế thông qua xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Giáo viên xây dựng cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá ở bậc THCS và THPT gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhờ vậy, phong trào học tiếng Anh trong nhà trường ngày càng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao.

Tạo chuyển biến trong dạy và học ngoại ngữ

Quá trình đổi mới việc dạy-học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục của tỉnh đã góp phần nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu học tập, làm việc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Điều này cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 Gia Lai từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Ảnh: T.D

Gia Lai từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Ảnh: T.D

Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt Đồng Ánh Dương khẳng định: “Ngoại ngữ có vai trò mũi nhọn trong chương trình đào tạo của nhà trường. Để tiếp cận chuẩn quốc tế, chúng tôi tích cực cho học sinh tham gia các cuộc thi như: tài năng tiếng Anh cấp tỉnh, Kangaroo, IOE, Hippo, KGL, Olympic 30-4, hùng biện tiếng Anh toàn quốc… Từ những cuộc thi này, học sinh đã gặt hái được một số thành công, đánh dấu sự chuyển biến về chất lượng dạy và học tiếng Anh của nhà trường. Giáo viên cũng chú trọng thiết kế bài giảng sinh động để nâng cao các kỹ năng nghe, nói, tạo hứng thú đối với học sinh”.

Đối với giáo dục mầm non, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ tại các trường mẫu giáo, mầm non ở tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố. Theo cô Trần Thị Thoa-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), nhà trường đã hợp tác với trung tâm tiếng Anh có uy tín để giúp cho việc tiếp cận và làm quen với ngoại ngữ của trẻ đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài ra, nhà trường cũng lựa chọn chương trình học phù hợp cho trẻ theo thời khóa biểu với 2 tiết/tuần/lớp.

“Trong quá trình thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2022-2025, nhà trường đã đầu tư trang-thiết bị cho một số lớp để đảm bảo công tác dạy và học như: thiết bị nghe nhìn, ti vi, máy casset, tranh ảnh, bảng biểu, bàn ghế…”-cô Thoa cho hay.

 Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) hợp tác với Trung tâm tiếng Anh uy tín giúp trẻ tiếp cận ngoại ngữ đạt kết quả. Ảnh: T.D

Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) hợp tác với Trung tâm tiếng Anh uy tín giúp trẻ tiếp cận ngoại ngữ đạt kết quả. Ảnh: T.D

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Để thực hiện chương trình này, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng phương pháp học và sử dụng tiếng Anh trong học đường phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện Phan Công Đương nêu rõ: “Nhằm giúp phong trào học tiếng Anh trong trường học phát triển rộng rãi và hiệu quả, Phòng đã chỉ đạo các trường học triển khai hoạt động học tiếng Anh phù hợp với từng đơn vị. Các trường cần đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, phù hợp với thực tiễn và đối tượng học sinh. Phương pháp giảng dạy mới được kết hợp với những hình ảnh trực quan sinh động, tiết học vui vẻ, qua đó tạo được hứng thú cho học sinh, giúp các em chủ động phát huy khả năng tự tìm hiểu, khám phá và sáng tạo của mình.

 Học sinh Gia Lai từng bước tiếp cận môi trường dạy và học ngoại ngữ hiện đại. Ảnh: T.D

Học sinh Gia Lai từng bước tiếp cận môi trường dạy và học ngoại ngữ hiện đại. Ảnh: T.D

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2022-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Ngành sẽ triển khai 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu, học liệu; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên bảo đảm chất lượng; môi trường dạy, học sử dụng ngoại ngữ và các hoạt động khác.

“Năm 2025, toàn tỉnh tiếp tục triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh tại những cơ sở giáo dục có nhu cầu và đủ điều kiện; phấn đấu xã hội hóa để tăng số lượng cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ làm quen với tiếng Anh đạt 25% trẻ tham gia vào cuối năm. Cùng với đó, tiếp tục triển khai cho học sinh lớp 1, lớp 2 học tiếng Anh tự chọn ở những cơ sở giáo dục có điều kiện với thời lượng 2 tiết/tuần; tiếp tục tổ chức dạy học tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học phổ thông.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh ở từng cấp học; nâng cao chất lượng bài thi tốt nghiệp THPT; duy trì và phát huy thành tích đạt được ở các kỳ thi cấp quốc gia; khuyến khích học sinh tham gia các bài thi đánh giá năng lực ngôn ngữ tiếng Anh”-Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.

TRẦN DUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/day-manh-day-va-hoc-ngoai-ngu-theo-huong-tiep-can-chuan-quoc-te-post319360.html
Zalo