Đẩy mạnh đầu tư Fintech trong chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Sự hình thành của các trung tâm tài chính là bước tiến hội nhập, thúc đẩy Fintech Việt đổi mới sáng tạo, thử nghiệm và học hỏi các mô hình tiên tiến toàn cầu.

Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến tài chính tầm khu vực và quốc tế, Chính phủ đang thúc đẩy xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế (IFSC) đặt đồng thời tại TP.HCM và Đà Nẵng với cùng một khung chính sách. Trong số các giải pháp trọng tâm được Chính phủ đặt ra để chuẩn bị xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Fintech (công nghệ tài chính) đang nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.

Khi một trung tâm tài chính quốc tế được xây dựng với hạ tầng số hóa hiện đại, môi trường pháp lý minh bạch, kết nối quốc tế linh hoạt và hệ sinh thái tài chính mở, các doanh nghiệp Fintech sẽ có điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm, tiếp cận dòng vốn chất lượng và cơ hội hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế hoặc các định chế tài chính đa quốc gia..

Sẵn sàng học hỏi và thử nghiệm để phát triển Fintech

Trong kỳ họp 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 tới. Theo thông tin từ Chính phủ, Trung tâm này sẽ được đặt tại hai thành phố là TP.HCM và Đà Nẵng, cùng vận hành theo một khung chính sách, nhưng mỗi nơi sẽ có định hướng phát triển chuyên biệt.

Đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đang đặt mục tiêu vươn lên thành Trung tâm tài chính quốc tế, trong đó Fintech giữ vai trò then chốt và cần được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ.

Nhiều chuyên gia cho rằng thành phố cần phát triển mạnh mẽ mô hình Fintech hub tương tự như Singapore bằng cách xây dựng cộng đồng khởi nghiệp Fintech, thiết lập “ngôi nhà chung” cho các startup, thường xuyên triển khai các chương trình hỗ trợ để gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh mô hình Fintech hub, TP.HCM còn định hướng triển khai các Sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) nhằm tạo hành lang pháp lý linh hoạt cho các mô hình tài chính công nghệ mới. Đây được xem là nền tảng quan trọng giúp thành phố thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trong quá trình hình thành Fintech hub và vươn tầm thành trung tâm tài chính quốc tế.

Theo GFCI - ấn bản lần 37 (GFCI 37), TP.HCM tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu. (Ảnh: Shutterstock)

Theo GFCI - ấn bản lần 37 (GFCI 37), TP.HCM tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu. (Ảnh: Shutterstock)

Trong khi đó, tại hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” diễn ra ngày 16/1, các chuyên gia đề xuất định hướng phát triển Đà Nẵng như một phòng thí nghiệm đổi mới về Fintech, coi đây là bước đi chiến lược nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực.

Theo đó, các chuyên gia cũng đề xuất thành phố nên tập trung vào việc thử nghiệm các giải pháp Fintech tiên tiến như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và thanh toán số, tạo môi trường Sandbox mở cho các startup. Việc phát triển theo hướng “vườn ươm” công nghệ này sẽ giúp Đà Nẵng tạo dấu ấn riêng biệt so với TP.HCM, đồng thời đóng vai trò là cầu nối đổi mới giữa các trung tâm tài chính lớn trong nước, thu hút đầu tư và nhân tài trong lĩnh vực tài chính - công nghệ.

Cơ hội bứt phá cho Fintech Việt

Hệ sinh thái Fintech đang mở rộng tại thị trường Việt Nam. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 200 công ty Fintech hoạt động tích cực trong các lĩnh vực như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P lending), blockchain, và bảo hiểm. Quá trình này không chỉ có tác dụng phổ cập tài chính số sâu rộng đến cộng đồng mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho hệ sinh thái tài chính, từ đó giúp TP. HCM và Đà Nẵng trở thành những trung tâm tài chính thực thụ.

Đơn cử, hệ sinh thái tài chính số Viettel Money - ứng dụng tài chính chủ lực của Tập đoàn Viettel đang thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực Fintech thông qua định hướng phổ cập tài chính số, thúc đẩy tài chính toàn diện.

Với hơn 350 tiện ích, bao gồm các dịch vụ tài chính thiết yếu như vay tiêu dùng, tiết kiệm, tích lũy, đầu tư và bảo hiểm số, hệ sinh thái tài chính số Viettel Money không chỉ đáp ứng nhu cầu giao dịch hằng ngày, mà còn góp phần mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm tài chính chính thống một cách an toàn và minh bạch cho người dân. Điển hình là các sản phẩm vay, đóng vai trò như “phao cứu sinh” tài chính trong những thời điểm cấp thiết, đồng thời giúp người dùng xây dựng lịch sử tín dụng rõ ràng.

Viettel Money đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực Fintech, mang đến hệ sinh thái tài chính số toàn diện, dễ tiếp cận cho mọi người dân Việt Nam. (Ảnh: Viettel Money)

Viettel Money đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực Fintech, mang đến hệ sinh thái tài chính số toàn diện, dễ tiếp cận cho mọi người dân Việt Nam. (Ảnh: Viettel Money)

Để phát huy vai trò của Fintech trong tiến trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam đang triển khai nhiều kế hoạch phát triển đồng bộ và toàn diện. Việc hoàn thiện khung pháp lý, cho phép doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm trong môi trường kiểm soát an toàn vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa tạo điều kiện để cơ quan quản lý cập nhật, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.

Với định hướng rõ ràng và nền tảng vững chắc, Fintech được kỳ vọng sẽ trở thành lực đẩy quan trọng, góp phần nâng tầm vị thế tài chính quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hà An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/day-manh-dau-tu-fintech-trong-chien-luoc-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-ar939867.html
Zalo