Đẩy mạnh đào tạo để gia nhập ngành công nghệ bán dẫn toàn cầu

Ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh mẽ sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, hiện số lượng nhân lực của ngành này chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu…

Phòng thí nghiệm công nghệ vi mạch bán dẫn của Trung tâm Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Phòng thí nghiệm công nghệ vi mạch bán dẫn của Trung tâm Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học tại TP. Hồ Chí Minh đã sớm đón đầu trong đào tạo các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, internet vạn vật (IoT), vi mạch - bán dẫn…, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của nền kinh tế số trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại thành phố với mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030 đào tạo ít nhất 9.350 nhân lực có trình độ đại học trở lên trong các ngành bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong trong đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI) và các ngành phục vụ cho công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm qua. GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, các lĩnh vực thiết kế vi mạch hay vật liệu, linh kiện bán dẫn đã được trường đào tạo cách đây 20 năm nhưng theo hướng chuyên ngành, thuộc các ngành Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện - điện tử, Kỹ thuật máy tính. Từ năm 2024, nhà trường đã thành lập 2 ngành là thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn ở các bậc cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ, đào tạo theo hướng chuyên sâu. Chỉ tiêu mỗi năm đào tạo 300 sinh viên hệ kỹ sư, 90 học viên thạc sĩ và 10 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh đào tạo về AI để ứng dụng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, mỗi năm cho ra trường 60 kỹ sư và 50 thạc sĩ, tiến sĩ. Trường đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cung cấp cho thị trường 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch; 20.000 cử nhân, kỹ sư công nghệ thông tin và AI.

Tương tự, TS. Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, số lượng sinh viên tuyển hàng năm ở những ngành liên quan tới công nghệ cao tại trường luôn chiếm khoảng 50% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh (7.000 sinh viên/năm), đóng góp lớn trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Trường đào tạo đến 10 ngành/chuyên ngành lĩnh vực công nghệ cao, nổi bật như khoa học dữ liệu và AI, IoT và AI ứng dụng, kỹ thuật thiết kế vi mạch...

Nhằm phát triển và hỗ trợ tối đa cho hướng đi này, TP. Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa thành phố và các trung tâm cách mạng công nghiệp trên toàn cầu trong hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế thế giới; mở rộng, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp để tiến tới hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ứng dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Giám đốc C4IR Lê Trường Duy chia sẻ, Trung tâm cũng sẽ thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao trọng điểm như dữ liệu lớn (Big data), AI, bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ sinh học và nghiên cứu phát triển (R&D). Bên cạnh đó, xây dựng khung hợp tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lâu dài. Trong đó, trước mắt tập trung vào đào tạo 1.000 kỹ sư chuyên sâu cho giai đoạn 2025-2026; cùng với đó hỗ trợ ít nhất 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh có cơ hội tiếp cận và ứng dụng AI phổ quát và chuyên ngành.

Xác định tầm quan trọng của phát triển ngành công nghệ vi mạch bán dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này đòi hỏi một hệ sinh thái toàn diện từ nghiên cứu phát triển, sản xuất, kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, thành phố đã triển khai các chính sách ban hành theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chương trình hành động và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050...

Đây là một trong những bước đi quan trọng để đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu khu vực và thu hút các doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản xuất của ngành trên thị trường quốc tế như Intel, Tập đoàn Công nghệ Marvell (Hoa Kỳ), Công ty BE Semiconductor Industries NV, Samsung, Nidec, Microchip..., tạo nên những cấu phần không thể tách rời của hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo.

“Thành phố có khát vọng mạnh mẽ trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố cần sự chung tay của các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia công nghệ và các nhà đầu tư”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/day-manh-dao-tao-de-gia-nhap-nganh-cong-nghe-ban-dan-toan-cau-162799.html
Zalo