Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa đến hội viên, phụ nữ

Hoạt động tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa cùng với các mô hình hay được thực hiện xuyên suốt đã từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).

 Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường

Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường

Chị Huỳnh Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), cho biết, cùng với sự phát triển nhanh của xã hội, vấn đề chất thải sinh hoạt trên toàn xã phát sinh ngày càng nhiều, việc phân loại rác tại các hộ gia đình chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Mặt khác do đặc điểm địa bàn xã ở quê đất trống, nhiều hộ tự đào hố mang rác đi chôn lấp hoặc xử lý bằng phương pháp đốt làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống xung quanh.

Bên cạnh đó, do đặc thù là xã cù lao, qua địa bàn xã phải đi phà, đi đò nên việc thu gom, vận chuyển rác thải cũng gặp không ít khó khăn. Nếu không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền ý thức cho hội viên, phụ nữ, người dân trên địa bàn thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

+ Vậy công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường được Hội LHPN xã thực hiện ra sao?

Chị Huỳnh Thị Liên: Trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng như Hội đã tập trung vào công tác tuyên truyền để hội viên, phụ nữ, người dân hiểu được tác hại của rác thải nhựa và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Truyền thông với chủ đề "Phân loại rác thải tại nguồn" đến người dân

Truyền thông với chủ đề "Phân loại rác thải tại nguồn" đến người dân

Bên cạnh công tác tuyên truyền, tùy vào tình hình, đặc điểm của từng địa bàn mà Hội triển khai các mô hình phù hợp. Trong đó, có thể kể đến mô hình "Đổi rác thải nhựa nhận quà yêu thương", Đổi rác thải lấy cây xanh", Phiên chợ xanh "Rác đi - Quà về"….

Đặc biệt, tại chợ quê Cù lao Tân Thuận Đông, 100% tiểu thương sử dụng chén dĩa tô đá, túi tự hủy sinh học, túi giấy, lá chuối, lá sen, dây chuối, hộp tinh bột mì, ly giấy… để gói bán; hoàn toàn không sử dụng túi nilon. Nhằm nhân rộng, lan tỏa hiệu quả mô hình, Hội cũng đã phối hợp tổ chức các buổi phát động thực hiện phong trào "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy" tại 2 điểm chợ trên địa bàn xã được đông đảo người dân hưởng ứng thực hiện.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp tổ chức nhiều buổi truyền thông bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa, lễ phát động "Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn", ra quân thực hiện "Dòng sông không rác" giúp các tuyến kênh được thông thoáng, sạch sẽ thuận tiện lưu thông xuồng ghe, sử dụng nước để tưới tiêu.

Các hoạt động tuyên truyền, mô hình góp phần bảo vệ môi trường được thực hiện xuyên suốt

Mới đây nhất, Hội LHPN xã cũng đã phối hợp cùng UBND xã tổ chức truyền thông với chủ đề "Phân loại rác thải tại nguồn" tuyến đường Trần Thị Lầu, ấp Đông Hòa với chiều dài hơn 1km, có hơn 100 hộ dân sinh sống. Tại buổi tuyên truyền, người dân được hướng dẫn cụ thể cách phân biệt rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế; cách xử lý rác sinh hoạt đúng quy định và những lợi ích thiết thực của việc phân loại rác từ hộ gia đình. Dịp này, Hội đã trao tặng hơn 30 thùng rác hai ngăn cho các hộ dọc tuyến đường, kèm theo tờ bướm hướng dẫn thực hành phân loại rác tại nhà.

+ Liệu hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường có gặp khó khăn gì không, thưa chị?

Thực tế, trong thời gian đầu, công tác tuyên truyền cũng gặp một số khó khăn do người dân vốn đã quen sử dụng túi nilon, hộp xốp… do thuận tiện và giá rẻ. Trong khi, các sản phẩm thân thiện với môi trường có giá cao; lại không có sẵn tại địa phương mà phải mua từ tỉnh, thành phố khác, chủ yếu là từ TPHCM.

Chị Huỳnh Thị Liên (áo xanh) - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ

Chị Huỳnh Thị Liên (áo xanh) - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ

Chính quyền địa phương và Hội vừa tuyên truyền vận động, vừa đồng hành và hỗ trợ người dân. Nhiều hoạt động đã được triển khai như phát miễn phí các sản phẩm thân thiện với môi trường cho hội viên, phụ nữ, người dân; hay tặng giỏ xách đi chợ cho hội viên, phụ nữ….

Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện xuyên suốt đã từng bước nâng cao ý thức của cộng đồng trong vấn đề giữ vệ sinh môi trường. Góp phần giúp địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

+ Hiện nay, Hội đã áp dụng công nghệ thông tin ra sao để hoạt động tuyên truyền thêm hiệu quả?

Ngoài hình thức truyền thông miệng, hiện nay, Hội cũng tận dụng tối đa lợi thế của các nền tảng xã hội như thông qua trang Fanpage, Zalo… để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó có các nội dung về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với hệ thống truyền thanh, các cơ quan truyền thông để hoạt động truyền thông càng hiệu quả, lan tỏa hơn nữa. Qua đó, ngày càng nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

+ Cảm ơn chị đã chia sẻ !

Mộc Miên (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-phong-chong-rac-thai-nhua-den-hoi-vien-phu-nu-20250524180927775.htm
Zalo