Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Tài nguyên và Môi trường

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Tài nguyên và Môi trường của tỉnh tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2025.

Ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2025.

Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết: Sở đã tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực TN&MT, bảo đảm nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Trên Trang thông tin điện tử của Sở TN&MT đã xây dựng, thiết lập chuyên mục về chuyển đổi số; ứng dụng hiệu quả phần mềm VNPT - ioffice vào quản lý văn bản điều hành; rà soát, rút ngắn từ 10% đến 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực TN&MT được UBND tỉnh phê duyệt, công bố, niêm yết theo đúng quy định. Đến nay 152/152 TTHC cấp tỉnh về lĩnh vực TN&MT đã đạt ở mức độ toàn trình.

Bên cạnh đó, Sở đã lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Sơn La. Đến nay, có 57 xã của Thành phố, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên đã được đo đạc, thành lập bản đồ địa chính chính quy, với tổng diện tích 91.204 ha, đạt 6,5% trên tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 8 huyện, thành phố, với trên 13 triệu thửa đất, phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết TTHC về đất đai cho nhân dân, doanh nghiệp. Hiện nay, 11 huyện, thành phố đang thực hiện vận hành CSDL đất đai trên phần mềm VBDLIS, riêng Mường La vẫn sử dụng phần mềm VILIS. Tiếp nhận, sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục (Envisoft) trên địa bàn tỉnh, giúp quản lý, giám sát, kiểm duyệt dữ liệu và truyền dữ liệu từ Sở TN&MT về Bộ TN&MT; thuận tiện trong khai thác số liệu quan trắc môi trường đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở nông sản thuộc đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục, là Nhà máy tinh bột sắn Sơn La của Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên và Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La tại huyện Mai Sơn. Còn đối với Nhà máy mía đường, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La tuy không thuộc đối tượng theo quy định nhưng đã tự lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục.

Tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực TN&MT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực TN&MT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Công ty đã hoàn thành việc lắp đặt và truyền số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục về Sở TN&MT với các thông số lưu lượng đầu vào, đầu ra, nhiệt độ, PH, COD, TSS, tổng Nitơ, tổng Xianua theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ. Ngoài ra, Công ty đã lắp đặt camera giám sát khu vực xử lý nước thải, toàn bộ hình ảnh, dữ liệu được truyền về UBND tỉnh, Sở TN&MT 24/24 giờ, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn.

Lĩnh vực khoáng sản, Sở đã yêu cầu các chủ dự án khai thác khoáng sản lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan; các cơ sở chế biến nông sản lắp camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, truyền dữ liệu hình ảnh về Sở và UBND các huyện, thành phố để theo dõi, giám sát. Hiện nay, Sở đang phối hợp với VNPT Sơn La triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin khoáng sản VNPT-iMinerals để quản lý toàn bộ các hệ thống điểm mỏ khoáng sản trên toàn tỉnh.

Trong bảo vệ môi trường, phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường và đa dạng sinh học đã được hoàn thành, cung cấp trên website https://moitruong.sotnmt.sonla.gov.vn, bao gồm nhóm thông tin dữ liệu về nguồn thải, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học, góp phần nâng cao năng lực quản lý về môi trường trên cơ sở số hóa dữ liệu và tin học hóa các nghiệp vụ quản lý hồ sơ, dữ liệu môi trường.

Các lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La.

Các lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La.

Dữ liệu về ngành TN&MT còn được triển khai chia sẻ trên Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC), giúp lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành có thể nắm bắt, quản lý hiệu quả hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dịch vụ công trực tuyến. Ngành TN&MT hướng tới 100% dữ liệu của ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số, đảm bảo kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của ngành ở cấp Trung ương.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/day-manh-chuyen-doi-so-trong-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-xgVr0MDNg.html
Zalo