Đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy ngành Tư pháp

Ngày 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ và Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng chủ trì tại điểm cầu T.Ư. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại các tỉnh, TP toàn quốc.

 Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, theo đúng phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Bộ cũng bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội...

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 212 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 49 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 163 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc được tích cực triển khai. Đến nay, người dân có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong các bộ, ngành được đánh giá. Năm nay, Bộ đã công khai 160 TTHC thuộc các lĩnh vực như: Trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp.

Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương được quan tâm, chú trọng. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tại Bắc Giang, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua những khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và cải cách tư pháp.

Một số lĩnh vực công tác có kết quả nổi bật như công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; cải cách hành chính. Đã hoàn thành và duy trì kết nối liên thông dữ liệu cả 6 dịch vụ công thiết yếu giao cho ngành theo Đề án 06. Từ ngày 1/11/2024, bảo đảm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID cho công dân. Sở Tư pháp cũng thực hiện công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy giảm từ 7 phòng, đơn vị xuống còn 6 phòng, đơn vị.

Riêng đối với công tác bổ trợ tư pháp, nhất là hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn khá sôi động, về cơ bản được thực hiện đúng quy định, đã góp phần quan trọng vào kết quả thu ngân sách của địa phương...

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng quán triệt nhanh một số nội dung trọng tâm trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số kết quả nổi bật, tồn tại, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ ngành thời gian qua. Đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện nhiệm vụ ngành năm tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị ngành Tư pháp thực hiện tốt một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với bối cảnh năm 2025. Đặc biệt là kịp thời xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp; đồng thời, xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, xem đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả các lĩnh vực công tác, nhất là trong xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần tăng cường tính nhất quán của hệ thống pháp luật. Quá trình triển khai cần gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương tinh gọn bộ máy; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng đó, ngành Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Toàn ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm công tác Tư pháp, thi hành án dân sự, hỗ trợ đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp, thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tin, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/day-manh-chuyen-doi-so-tinh-gon-bo-may-nganh-tu-phap-postid409551.bbg
Zalo