Đẩy mạnh chuyển đổi số, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin trên địa bàn, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản lý và điều hành. Đến nay, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; nhiều sở, ngành đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chuyên biệt phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Những con số ấn tượng về chuyển đổi số
Một trong những điểm nhấn nổi bật của Hải Dương về chuyển đổi số là việc triển khai Ứng dụng Smart – HaiDuong. Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh đã có hơn 45 nghìn người cài đặt ứng dụng Smart-HaiDuong. Trong đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh đã cài đặt và sử dụng ứng dụng Smart-HaiDuong..
Được biết Ứng dụng Smart-HaiDuong được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng và chính thức khai trương vào 26/3/2024. Ứng dụng có nhiều tiện ích thiết yếu, phục vụ người dân, doanh nghiệp với nội dung đa dạng, phong phú, được cập nhật thường xuyên. Trên ứng dụng cung cấp, cập nhật các thông tin chính thức từ UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; dịch vụ công trực tuyến; tra cứu thông tin về các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa, du lịch, tuyển dụng, giá cả thị trường và thông tin cảnh báo lừa đảo. Bên cạnh đó, ứng dụng còn giúp mọi người khám phá các địa điểm nổi tiếng ở Hải Dương; đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện; gọi xe taxi, đặt vé tàu, xe, máy bay…
Với ứng dụng này, người dân có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thay vì phải dến trực tiếp như trước đây, Chị Nguyễn Lan Anh, một người dân sinh sống tại TP Hải Dương cho biết: Ứng dụng Smart-HaiDuong giúp chị dễ dàng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin; thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính nhanh chóng và thiện lợi. Không dừng lại ở đó, ứng dụng còn có thể tích hợp tra cứu được nhiều thông tin khác phục vụ đời sống.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, trú tại Hải Dương chia sẻ: Ngoài những thông tin thường xuyên được cập nhật về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, ứng dụng còn cung cấp những chính sách mới trên nhiều lĩnh vực mà người dân quan tâm. Từ đó, giúp cho CBCS các cơ quan, ban ngành thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, hệ thống cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp đồng bộ, liên thông dữ liệu, đảm bảo tối ưu hóa thông tin nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho người dân và doanh nghiệp, phát huy chức năng giao tiếp hai chiều. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng phục vụ và đưa chính quyền đến gần người dân, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Được biết đây chỉ là một trong các ứng dụng về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành điều tra, cung cấp số liệu về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT. Cung cấp thông tin thiết lập Website/Portal của cơ quan nhà nước cấp huyện, xã cho Bộ TTTT; cung cấp thông tin về việc khai thác, sử dụng danh mục điện tử dùng chung và nhu cầu khai thác thông tin, dữ liệu thuộc các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương; thông tin việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tổ chức xây dựng và khai thác, vận hành có hiệu quả các ứng dụng: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Hệ thống thư điện tử công vụ, Cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp, Hệ thống hội nghị truyền hình, chữ ký số, ứng dụng dành cho người dân Smart-HaiDuong…; bảo đảm an toàn thông tin khi trao đổi văn bản trên môi trường mạng. Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán trực tuyến Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính; kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số EMC.
Tính đến nay đã tích hợp được 619 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 958 dịch vụ công trực tuyến một phần, 428 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 87%; tỷ lệ trả kết quả theo hình thức trực tuyến đạt 100%.
Vì một Hải Dương số
Trước đó, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hải Dương đã trở thành là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số như Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/03/2021 về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 2358/KH-UBND ngày 25/6/2021 về thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 của Tỉnh ủy.
Không dừng lại ở đó, để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 21/3/20 lấy ngày ban hành Nghị quyết - ngày 26/3 hàng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Hải Dương. Việc tổ chức Ngày chuyển đổi số hàng năm là cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đối thoại với chính quyền; tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ,... thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Ngày 26/3/2022, lần đầu tiên, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương tổ chức công bố Ngày chuyển đổi số tỉnh Hải Dương với chủ đề “Chuyển đổi số hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương” với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu Trung ương và địa phương. Tại sự kiện, đã tổ chức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh; website chuyển đổi số tỉnh (tại địa chỉ chuyendoiso.haiduong.gov.vn); ra mắt ứng dụng dành cho người dân; Tổ chức ký kết hợp tác chuyển đổi số với các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel, Liên minh SAIGONTEL-NGS;Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Mobifone, Công ty FSI, Công ty Savis, Công ty Misa.
Năm 2023, được xác định là năm quốc gia về dữ liệu số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức chương trình Ngày chuyển đổi số tỉnh Hải Dương 26/3/2023 với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu: bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu và an toàn dữ liệu.
Năm 2024, tổ chức chương trình Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương 26/3/2024 với chủ đề “Chuyển đổi số kiến tạo mô hình công dân số". Tại sự kiện, đã ra mắt ứng dụng dành cho người dân (App Smart-Hai Dương) và Cổng Thông tin điện tử liên thông 3 cấp của tỉnh, đồng thời phát động Cuộc thi trực tuyến “Nét đẹp đoàn viên” trên App Smart-Hai Duong. Đây là cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đối thoại với chính quyền; tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ,... thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng tỉnh Hải Dương. Đến nay, 12/12 huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Quyết định thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng cấp huyện; 235 xã, phường, thị trấn đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn/khu dân cư với 1340 tổ và 6891 thành viên. Hàng năm, tổ chức đào tạo, tập huấn và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các huyện, thị xã, thành phố tập huấn cho các thành viên tổ Công nghệ số cộng đồng về kỹ năng số.
Với những nỗ lực triển khai chuyển đổi số toàn diện, tích cực và đồng bộ, năm 2020, 2021, tỉnh Hải Dương xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số. Năm 2022, tỉnh Hải Dương đã tăng 1 bậc so với năm trước vươn lên xếp thứ 13 trong 63 tỉnh/thành phố, trong đó hoạt động chính quyền số xếp thứ 15/63, hoạt động kinh tế số xếp thứ 7/63, hoạt động xã hội số xếp thứ 4/63. Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Năm 2023, lần đầu tiên triển khai đánh giá chỉ số chuyển đổi số đối với các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên toàn tỉnh…
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có gần 300 doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp không ngừng đổi mới phương thức quản lý và sản xuất kinh doanh, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới mang lại lợi ích kinh tế, đảm bảo quốc phòng và an ninh; trên địa bàn có gần 200 doanh nghiệp nền tảng số, hơn 8 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx (chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số); tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,58%.