Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát triển thương mại điện tử

UBND tỉnh Lai Châu vừa phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử vùng trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề 'Đổi mới - Sáng tạo - Vươn xa'.

Hội thảo có sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh

Hội thảo có sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh

Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc” năm 2025 tại tỉnh Lai Châu gắn với Lễ hội trà huyện Tân Uyên lần thứ II, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 4.5.2024 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, nhiều nông sản của tỉnh Lai Châu đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng

Hiện nay, nhiều nông sản của tỉnh Lai Châu đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng

Tại hội thảo, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh, một trong những yếu tố then chốt để chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử thành công tại vùng trung du và miền núi phía Bắc chính là tăng cường liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. Sức mạnh của vùng không chỉ nằm ở tiềm năng riêng lẻ của mỗi tỉnh, mà còn ở khả năng kết nối, chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm và cùng nhau tạo dựng các chuỗi giá trị chung.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc là khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái, đồng thời cũng là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số. Khu vực này có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, nông sản đặc hữu, dược liệu quý, sản phẩm thủ công truyền thống và giá trị văn hóa đặc sắc.

Để phát huy hiệu quả các tiềm năng sẵn có và rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là hết sức cấp thiết.

Đây không chỉ là giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng tiêu thụ sản phẩm, mà còn là công cụ tạo điều kiện cho người dân vùng cao từng bước tiếp cận kinh tế số, tri thức số và dịch vụ số một cách bình đẳng, hiệu quả.

Hội thảo lần này được tổ chức với mong muốn trở thành một diễn đàn mở, thực chất để đại diện các tỉnh trong vùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai, những mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử tại địa phương mình. Các nhà sản xuất, hợp tác xã có cơ hội tiếp cận thông tin, tìm kiếm đối tác, học hỏi kinh nghiệm để mạnh dạn ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử...

Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như vùng trung du và miền núi phía Bắc

Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như vùng trung du và miền núi phía Bắc

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu tập trung chia sẻ, định hướng các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng nền tảng cho xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử vùng bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng phát triển thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số vùng cao. Ứng dụng công nghệ số phù hợp với điều kiện địa phương, hỗ trợ phát triển sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường. Nâng cao năng lực hạ tầng logistics và phân phối số, bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất vùng sâu, vùng xa. Phát triển nguồn nhân lực số tại chỗ, nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp và đội ngũ quản lý địa phương.

Q.VY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nhip-song-so/day-manh-chuyen-doi-so-gan-voi-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-136721.html
Zalo