Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho đội viên, học sinh

Thời gian qua, Hội đồng đội (HĐĐ) tỉnh, HĐĐ huyện, thành phố, các Liên đội trong tỉnh triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho đội viên (ĐV), học sinh (HS). Qua đó, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về những trang sử hào hùng của dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực rèn luyện, học tập góp phần xây dựng quê hương.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Thạnh (TP Hồng Ngự) tham gia “Hành trình đến với Địa chỉ đỏ” tại Bia kỷ niệm địa phương quân (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự)

Học sinh Trường Tiểu học Bình Thạnh (TP Hồng Ngự) tham gia “Hành trình đến với Địa chỉ đỏ” tại Bia kỷ niệm địa phương quân (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự)

Hàng năm, HĐĐ tỉnh chỉ đạo HĐĐ huyện, thành phố chủ động định hướng cho các Liên đội trên địa bàn tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử cho ĐV, HS nhân ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930); Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975)... Các Liên đội trong tỉnh lồng ghép trong buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Đội tuyên truyền cho ĐV, HS về truyền thống lịch sử, cách mạng, những tấm gương anh hùng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Ngoài ra, HĐĐ các cấp tổ chức nhiều sân chơi tìm hiểu kiến thức lịch sử cho ĐV, HS tham gia.

Điển hình trong năm 2024, HĐĐ tỉnh phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” và phát động Cuộc thi sưu tập và tìm hiểu tem bưu chính với chủ đề “Tổ quốc của em qua con tem bưu chính” thu hút hơn 18.130 ĐV, thiếu nhi tham gia. HĐĐ các cấp, các Liên đội, trường học phối hợp tổ chức “Hành trình đến với Địa chỉ đỏ”, những chuyến tham quan về nguồn tại các Di tích lịch sử trong và địa phương gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cho ĐV, HS. Từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, toàn tỉnh có hơn 10.980 lượt ĐV, HS tham gia “Hành trình đến với địa chỉ đỏ”.

Trường Tiểu học Bình Thạnh (TP Hồng Ngự) là một trong những đơn vị tổ chức đa dạng các hình thức giáo dục truyền thống lịch sử cho ĐV, HS. Theo thầy Đặng Thành Thơm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thạnh, trường hiện có 391 HS từ khối lớp 1 đến lớp 5. Hàng năm, trường tích hợp đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào chương trình dạy học. Trong quá trình giảng dạy, các thầy, cô giáo lồng ghép giới thiệu cho HS về di tích, nhân vật lịch sử địa phương và truyền thống đấu tranh của dân tộc. Nhân lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, trường tổ chức chiếu phim, lồng ghép qua các tiết sinh hoạt dưới cờ, chương trình phát thanh măng non tuyên truyền ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.

Từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, trường tổ chức 4 cuộc tuyên truyền với hơn 900 lượt ĐV, HS tham gia. Thầy Đặng Thành Thơm cho biết thêm: “Ngoài ra, trường tổ chức nhiều chuyến tham quan về nguồn đến các di tích lịch sử, bảo tàng trong tỉnh; Liên đội trường duy trì hoạt động “Hành trình đến với Địa chỉ đỏ” tại các địa điểm như: Cột mốc biên giới, Bia kỷ niệm địa phương quân Hồng Ngự, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh... Qua các hoạt động giáo dục, giúp ĐV, HS hiểu biết, trân trọng những công lao của cha, anh đi trước đã dũng cảm chiến đấu anh dũng bảo vệ nền độc lập dân tộc. Từ đó, các em nâng cao ý thức, tích cực tham gia rèn luyện, học tập tốt”.

Còn tại Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (TP Cao Lãnh), cô Quách Lê Phương Dung - giáo viên Tổng phụ trách Đội, cho biết: “Nhà trường luôn đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho ĐV, HS thông qua các tiết học ngoại khóa hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt mời cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cựu chiến binh đến chia sẻ về những sự kiện lịch sử hào hùng, câu chuyện về tinh thần anh dũng chiến đấu của thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời, trường phối hợp Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tổ chức giáo dục truyền thống cho ĐV, HS tại Khu di tích, tạo điều kiện cho ĐV, HS tham quan, thắp hương, tham gia vệ sinh tại Khu di tích để các em hiểu thêm truyền thống lịch sử”.

Em Nguyễn Trần Tấn Khoa - HS lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Thị Lựu, chia sẻ: “Được tham gia các hoạt động tuyên truyền do trường tổ chức tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, giúp em hiểu thêm về nguồn cội dân tộc, thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng - một nhà nho yêu nước, thương dân. Từ đó, em càng tự hào, trân trọng nền hòa bình của dân tộc. Là thế hệ trẻ, em quyết tâm cố gắng học tập, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện do Đoàn, Liên đội trường phát động để rèn luyện bản thân và giúp ích cho xã hội”.

Trong thời gian tới, HĐĐ tỉnh chỉ đạo HĐĐ huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ĐV, HS về truyền thống cách mạng của dân tộc, địa phương gắn với tổ chức “Hành trình đến các Địa chỉ đỏ” nhân dịp lễ, kỷ niệm; đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về lịch sử, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử cho HS tham gia... nhằm bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và phát huy trách nhiệm của thế hệ trẻ trong học tập, rèn luyện, cống hiến, góp phần vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/day-manh-cac-hoat-dong-giao-duc-truyen-thong-lich-su-cach-mang-cho-doi-vien-hoc-sinh-130848.aspx
Zalo