Đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi, làm sao để giải ngân hiệu quả?

Các chuyên gia cho rằng dù chính sách nào thì việc quan trọng là phải thực hiện ngay, thực hiện nhanh để đạt hiệu quả tốt nhất. Hơn nữa, các thủ tục, điều kiện cần rõ ràng, đơn giản để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Tuần trước, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão phải 'nhanh và trực tiếp' và thực hiện trong tháng 9, 10.

Các chương trình tín dụng ưu đãi là rất cần thiết cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để nguồn vốn đến tay doanh nghiệp nhanh chóng cần thực hiện giảm thủ tục, đơn giản hóa các thủ tục và giảm lãi suất cho vay. Có như vậy, gói tín dụng ưu đãi mới phát huy được hiệu quả và ý nghĩa.

Hiện nay, ngành ngân hàng đang có hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù, như chương trình cho vay nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân với tổng giá trị 140.000 tỷ đồng; gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm thủy sản 60.000 tỷ đồng (đã giải ngân cho vay đạt 36.000 tỷ đồng); hay các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị tác động do bão số 3 có tổng giá trị lên tới 405.000 tỷ đồng (với sự tham gia của 32 tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi được công bố tùy ngân hàng giảm thấp hơn từ 05,-2%)...

Vẫn còn gói tín dụng ì ạch giải ngân

Trong các gói tín dụng ưu đãi đang triển khai hiện nay, một số gói có tỷ lệ giải ngân cao, nhưng cũng có gói giải ngân ì ạch. Chẳng hạn như gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư còn gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 6/2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay gói này đạt 1.344 tỷ đồng, tăng tới 646,67% so với cuối năm 2023. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá tiến độ giải ngân vẫn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Đặc biệt, khách hàng phản ánh lãi suất cho vay còn cao, thời gian ưu đãi ngắn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản toàn cầu (GP.Invest) cho rằng, dù các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Đơn cử, nếu lãi vay khoảng 8%/năm thì không thấp hơn là bao so với vay làm nhà ở thương mại...

Các chương trình tín dụng ưu đãi là rất cần thiết cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các chương trình tín dụng ưu đãi là rất cần thiết cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, NHNN cho rằng lãi suất áp dụng đối với chương trình đã giảm 1%/năm trong 6 tháng đầu năm và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai chương trình.

Trong khi đó, gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm thủy sản lại có tốc độ giải ngân nhanh và hỗ trợ rất hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp. Thống kê của NHNN cho thấy, đến giữa tháng 9/2024, gói tín dụng này đã giải ngân cho vay đạt 36.000 tỷ đồng, vượt 6.000 tỷ đồng so với hạn mức 30.000 tỷ đồng được bổ sung hồi tháng 2/2024.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tồn kho lớn, khó khăn về dòng tiền đã tiếp cận được các khoản vay ưu đãi của ngân hàng, nhờ đó khôi phục được sản xuất kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp lâm thủy sản ở miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sau bão lũ.

Được biết, hiện nay, các ngân hàng đã bổ sung thêm hạn mức cho gói tín dụng này và đang khá tích cực trong giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực thủy sản.

“Việc các ngân hàng thương mại tăng quy mô gói vay lên đến 60.000 tỷ đồng, kết hợp với việc đơn giản hóa và linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ vay vốn thì nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể tiếp cận 40-50% tổng hạn mức tín dụng của gói vay này, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn phục vụ thu mua, chế biến xuất khẩu các tháng cuối năm 2024”, ông Nam nói.

Riêng đối với gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau bão, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, nhiều doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại tới hàng nghìn tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp khi phải đóng cửa, ngừng hoặc giảm sản xuất trong thời gian bão lũ.

"Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, sinh kế của người dân, lao động", VCCI nêu.

Cần phải "nhanh và trực tiếp"

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), doanh nghiệp cần thời gian nhất định để phục hồi hoàn toàn. Song, vấn đề cần quan tâm là chính sách hỗ trợ thế nào, thứ hạng ưu tiên ra sao khi nhiều thành phần kinh tế cùng lúc bị tác động.

Các chuyên gia lưu ý, để giải ngân hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi rất cần sự kết nối chặt chẽ, nắm bắt tình hình và đồng hành xuyên suốt của các ngân hàng với khách hàng - doanh nghiệp, người dân, qua đó tháo gỡ các vướng mắc tiếp cận vốn để phát huy hiệu quả giải ngân cao, thực hiện được mục tiêu tiếp sức, tiếp nguồn vốn phù hợp đến từng nhóm đối tượng.

Thực tế tại TP.HCM, tính đến cuối tháng 8, tổng số tiền giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm nay đã đạt tới 425.659 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, so với quy mô gói tín dụng được 17 thương hiệu ngân hàng đăng ký từ đầu năm khi tham gia chương trình với số tiền 509.864 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đã đạt 83,4%.

“Số tiền giải ngân gói tín dụng thời gian qua cũng phản ánh phần nào kết quả hỗ trợ cho doanh nghiệp thực tế và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân”, ông Lệnh nói.

Đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết thêm, giải ngân gói tín dụng thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp không chỉ đảm bảo cho chất lượng và hiệu quả của chương trình, mà qua đó còn lan tỏa hiệu ứng chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả của chương trình cũng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng dù chính sách nào thì việc quan trọng là phải thực hiện ngay, thực hiện nhanh để đạt hiệu quả tốt nhất. Hơn nữa, các thủ tục, điều kiện cần rõ ràng, đơn giản để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Tuần trước, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão phải “nhanh và trực tiếp" và thực hiện trong tháng 9, 10. Nguồn lực hỗ trợ được huy động cần được phân bổ hợp lý, chống thất thoát và trục lợi.

Theo lãnh đạo các nhà băng, để chia sẻ với khách hàng, đặc biệt là khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tiếp cận tín dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả, ngân hàng đã thực hiện giảm thủ tục, áp dụng đơn giản hóa các thủ tục. Cùng với đó là giảm các quy trình nội bộ chưa phù hợp và áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá được luôn mức độ tín nhiệm doanh nghiệp vay, xác định giá trị tài sản đảm bảo nhanh chóng...

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/day-manh-cac-goi-tin-dung-uu-dai-lam-sao-de-giai-ngan-hieu-qua-1102831.html
Zalo