Dạy con biết nhận lỗi - 'Chìa khóa' khuyến khích trẻ nhận lỗi

Khi trẻ làm sai, cha mẹ hãy cùng con đánh giá tình huống cụ thể và tìm hiểu rõ lý do. Không chỉ nói 'đó là sai', cha mẹ cần giải thích nguyên nhân.

Theo các chuyên gia, trẻ dưới 12 tuổi chưa thể hiểu và nhận ra lỗi sai cho dù cha mẹ cố giải thích, đánh, mắng, hoặc ép phải nhận lỗi. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, trẻ dưới 12 tuổi chưa thể hiểu và nhận ra lỗi sai cho dù cha mẹ cố giải thích, đánh, mắng, hoặc ép phải nhận lỗi. Ảnh minh họa

Đó là một trong những bước cần thiết giúp trẻ biết nhận lỗi.

Xin lỗi tưởng chừng là câu nói đơn giản, nhưng không phải trẻ nào cũng biết cách thể hiện một cách chân thành. Theo các chuyên gia, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ phải dạy trẻ biết nhận lỗi và nói xin lỗi.

Đánh giá cao lời xin lỗi của trẻ

Nuôi dạy con khôn lớn là công việc khó khăn đối với bất kỳ ông bố bà mẹ nào. Việc giáo dục con đòi hỏi sự yêu thương, nhẫn nại, bao dung từ cha mẹ. Đặc biệt là những lúc con mắc lỗi sai, không nghe lời, các cha mẹ đều cảm thấy nóng giận. Không ít phụ huynh chia sẻ, khi con phạm lỗi, họ cảm thấy bản thân bất lực vì áp dụng mọi biện pháp mà trẻ vẫn ương bướng, không nghe lời.

Nhiều cha mẹ than phiền khi không biết cách giúp con nhận thức lỗi sai của bản thân và rút kinh nghiệm cho lần sau. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Quát mắng, đánh đòn, áp dụng kỷ luật “thép” có phải là cách giải quyết hiệu quả hay chỉ gây phản tác dụng? Điều đó khiến các phụ huynh rơi vào trạng thái hoang mang, loay hoay giữa các phương pháp dạy con. Đặc biệt, một số cha mẹ cho biết cảm thấy vô cùng “đau đầu” khi trẻ làm sai, nhưng không biết nhận lỗi.

Thực tế, lời xin lỗi và cảm ơn là phương thức biểu đạt lịch sự trong giao tiếp văn minh. Cha mẹ cần giúp các con biết chấp nhận trách nhiệm khi sai lầm và tỏ rõ sự hối lỗi bằng lời nói xin lỗi. Điều này rất quan trọng. Bởi, lời xin lỗi không chỉ là biểu hiện cho thấy trẻ nhận ra sai lầm, mà còn giúp làm lành mối quan hệ với bạn bè, người xung quanh để tạo ra một khởi đầu mới.

Trong cuốn “Sorry, Sorry, Sorry: The Case For Good Apologies” (tạm dịch: Những lời xin lỗi tốt), 2 tác giả kiêm nhà báo Marjorie Ingall và Susan McCarthy đã đưa ra các cách giúp phụ huynh dạy con nói xin lỗi từ nhỏ. Một lý do khiến người lớn rất khó nói xin lỗi là do họ không được giáo dục tốt khi còn bé. Do vậy, bà Ingall cho rằng, để một đứa trẻ biết xin lỗi khi trưởng thành, chúng phải chứng kiến người khác nói xin lỗi và học cách xin lỗi từ nhỏ.

Điều quan trọng cần nhớ về việc nói lời xin lỗi là cần phải chịu trách nhiệm. Theo đó, để nói xin lỗi, trẻ cần đảm bảo 6 bước sau: Nói lời “xin lỗi”; Nói về những gì trẻ đã làm; Nói về cảm giác có lỗi khi làm việc này; Giải thích nếu cần, nhưng đừng bào chữa; Cam kết sẽ không để xảy ra sự việc như vậy; Đề nghị bồi thường.

Ngoài ra, còn có một bước mà tác giả Ingall gọi là “lắng nghe”. Trong bước này, các phụ huynh phải dạy con biết lắng nghe nếu người khác có phản hồi.

Theo các tác giả, đối với phụ huynh, dù trẻ mắc lỗi có thể gây ra hậu quả, họ cũng cần đánh giá cao lời xin lỗi của con. Do đó, cha mẹ hãy ghi nhận sự cố gắng của con mình. Phụ huynh không nên khiến đứa trẻ có ấn tượng rằng, việc xin lỗi cũng đồng nghĩa với sự trừng phạt.

 Khi con tự giác nhận lỗi, phụ huynh hãy khen ngợi một cách hợp lý hành động này của trẻ. Ảnh minh họa

Khi con tự giác nhận lỗi, phụ huynh hãy khen ngợi một cách hợp lý hành động này của trẻ. Ảnh minh họa

Cách giải quyết khi trẻ ương bướng

Khi trẻ mắc sai lầm nhưng ương bướng không nhận lỗi, nhiều phụ huynh vì quá nóng giận mà sử dụng đòn roi như giải pháp dạy con. Không ít người thường nghĩ rằng, đánh, mắng là cách hiệu quả để trẻ nhận ra lỗi sai và sẽ nhớ cho những lần sau. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan), các chuyên gia nhấn mạnh rằng, trẻ dưới 12 tuổi chưa thể hiểu và nhận ra lỗi sai cho dù cha mẹ có cố giải thích, đánh, mắng, hoặc ép phải nhận lỗi. Khi chứng kiến trẻ ríu rít nói “con xin lỗi mẹ” trong nước mắt và thậm chí là dấu hằn 5 ngón tay trên khuôn mặt trẻ, phụ huynh cho rằng điều đó sẽ giúp con nhớ và không tái phạm. Song, thực ra, trẻ vẫn sẽ tái phạm, cho dù cha mẹ đã cố đánh thật đau để con nhớ. Thậm chí, việc bắt trẻ nhận lỗi dù bằng vũ lực hay giải thích cũng không làm con cải thiện hành vi. Trái lại, vũ lực có thể gây nên những ảnh hưởng tâm lý lên trẻ hoặc phát triển các hành vi chống lại hay đối phó.

Các nhà nghiên cứu lý giải, khác với người lớn, trẻ thường không hiểu lỗi sai khi ai bảo “con đang làm sai” hoặc đánh mắng ép trẻ hiểu “con hư quá!”. Cách hiệu quả nhất để não bộ trẻ trước 12 tuổi có thể hiểu đó là nhận thức về nguyên nhân - hệ quả.

Nếu hệ quả đi ngược lại điều mong muốn của trẻ, không làm bé hứng thú hoặc không làm ai đó quan tâm, thì trẻ sẽ mặc định điều đó không được chấp nhận. Lúc này, trẻ đủ thông minh để kết nối nguyên nhân - tức là hành vi bé đang làm - với hệ quả của nó. Đó là cách não trẻ hiểu về lỗi sai và dừng việc làm sai đó. Thực tế, cách não bộ trẻ học ở giai đoạn nhỏ chỉ là dựa trên trải nghiệm và đó là thứ “ngôn ngữ” mà não bộ bé hiểu.

Chia sẻ trên mạng xã hội về chủ đề này, một số phụ huynh bày tỏ đồng tình với việc không áp dụng bạo lực khi dạy trẻ. Chị Nguyễn Trúc cho rằng, bạo lực không phải là cách hay, có thể ảnh hưởng tâm lý trẻ sau này. Đồng quan điểm, tài khoản Nguyễn Lê Trúc Phương nhận định, việc dùng đòn roi để giáo huấn không phải là lựa chọn thông minh khi nuôi dạy con. “Vì thời đại này, Internet khá phát triển, các con cũng ít nhiều tiếp xúc được nhiều thứ trên mạng xã hội. Các con bây giờ khôn kinh khủng luôn đó. Mình chỉ phạt và dùng lời nói cho các con thấy cái nào đúng cái nào sai thì bé sẽ tự thay đổi thôi đó các mẹ ơi, nên không phải cái gì dùng roi cũng tốt đâu”.

Trong khi đó, tài khoản Hoàng Ngân chia sẻ, con chị ngoan, không bướng nhưng có chính kiến riêng dù mới 5 tuổi. “Mình nhận thấy bé càng lớn sẽ càng biết nhiều, nhận thức nhiều. Bố mẹ phải cập nhật kiến thức trong việc dạy bé để theo kịp tốc độ phát triển của con. Mình không phản đối việc dạy con bằng roi, nhưng ở mức độ như thế nào là đúng thì cần suy xét”, chị Hoàng Ngân viết.

 Một lời xin lỗi càng rõ ràng, càng cụ thể sẽ giúp trẻ học được nhiều hơn là một lời xin lỗi chung chung. Ảnh minh họa

Một lời xin lỗi càng rõ ràng, càng cụ thể sẽ giúp trẻ học được nhiều hơn là một lời xin lỗi chung chung. Ảnh minh họa

Giúp trẻ nhận thức hành vi

Chia sẻ trên blog, chị Hương Đỗ - tác giả, dịch giả, giảng viên về nuôi dạy con, đồng tác giả sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, cho biết: “Khi xảy ra vấn đề, trẻ con cũng giống người lớn, đều sẽ mất bình tĩnh, nhưng khoảng thời gian để lấy lại bình tĩnh lại mất nhiều thời gian hơn so với người lớn. Vậy nên, bạn có thể dạy con mình giữ bình tĩnh bằng cách đếm số, hít thở sâu. Sau đó, có thể nói cho con biết cảm nhận của mẹ như: ‘Mẹ rất buồn khi con cư xử như vậy’ và đến bước phân tích đúng sai. Hãy nhớ, không quát mắng con khi con đang mất bình tĩnh vì sẽ làm trẻ có suy nghĩ tiêu cực”.

Chuyên gia này lưu ý, để giáo dục trẻ biết nhận thức về hành vi của bản thân, cha mẹ cần thực hiện một số bước quan trọng. Trong đó, việc dạy trẻ cách phân biệt đúng - sai, nên - không nên là bước đầu để con biết xin lỗi và chịu trách nhiệm cho sai lầm của bản thân. Cha mẹ cần đưa ra tình huống cụ thể cho trẻ nhận biết hành động, cử chỉ hoặc lời nói nào là đúng - sai. Sử dụng ví dụ cụ thể từ cuộc sống hằng ngày để minh họa cho trẻ, như: “Con không nên đánh bạn, vì đánh như vậy bạn sẽ rất đau, bạn sẽ đánh lại con, cả hai cùng đau. Con có thể cho bạn mượn đồ chơi trước hoặc rủ bạn cùng chơi”. Khi trẻ làm sai, hãy cùng đánh giá tình huống cụ thể và tìm hiểu tại sao hành vi đó là sai. Không chỉ nói “đó là sai” mà cha mẹ cần giải thích nguyên nhân.

Chị Hương Đỗ cho biết, trẻ em thường học hỏi thông qua quá trình quan sát hành vi của người lớn và bắt chước lại. Vậy nên, trước tiên, cha mẹ cũng cần trở thành tấm gương tốt cho bé. Khi cha mẹ phạm lỗi, hãy ngừng việc đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh. Thay vào đó, cần nhìn nhận sự việc thật khách quan để tỏ thái độ hối lỗi và nói lời xin lỗi một cách rõ ràng, cụ thể. Nếu người cần xin lỗi là con, cha mẹ nên quỳ xuống ngang tầm mắt với trẻ và nói: “Bố/mẹ xin lỗi vì đã lấy đồ của con mà không hỏi ý kiến”.

Một lời xin lỗi càng rõ ràng, càng cụ thể sẽ giúp trẻ học được nhiều hơn là một lời xin lỗi chung chung. Con sẽ hiểu bố mẹ đã phạm lỗi gì và đã xin lỗi vì đã làm sai điều gì. Sau này, trẻ sẽ không nói lời xin lỗi ra như một con vẹt mà không hề biết mình sai ở đâu.

Để giúp trẻ có thói quen nhận lỗi và xin lỗi khi làm sai, trước tiên, phụ huynh cần thực hiện thường xuyên các bước hành động trên. Đồng thời, coi những bước đó trở thành thói quen và một phần của cuộc sống thường ngày. Như vậy, trẻ sẽ có thói quen nhận lỗi và xin lỗi một cách chân thành, tích cực khi mắc sai lầm. Phụ huynh nên chấp nhận tha thứ hoặc bỏ qua và khen thưởng trẻ sau khi con nhận lỗi và xin lỗi.

Theo chuyên gia này, khi con tự giác nhận lỗi, phụ huynh hãy khen ngợi một cách hợp lý hành động này của trẻ. Cha mẹ có thể nói những lời động viên như: “Mẹ rất tự hào về con”. Thậm chí, cha mẹ cũng có thể cám ơn vì con đã chủ động nhận lỗi. Phụ huynh cần xác định cụ thể xem liệu bé đã thực sự nhận thấy lỗi lầm của mình chưa, có thực sự mong muốn sửa sai hay không, hay chỉ đang xin lỗi cho có.

Khi sự việc đã qua đi, phụ huynh và con đã giải quyết xong vấn đề một cách trôi chảy, cha mẹ hãy để cho vấn đề trôi qua mà không nhắc lại về lỗi lầm này của bé.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-con-biet-nhan-loi-chia-khoa-khuyen-khich-tre-nhan-loi-post726116.html
Zalo