Dạy chữ cho phụ nữ vùng biên giới
Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc ánh điện tại lớp học xóa mù chữ ở bản Láy, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, bừng sáng. Tiếng tập đọc chữ đồng thanh vang lên giữa núi rừng, như thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực để thắp lên một tương lai tươi sáng hơn.
Hơn 8 tháng qua, chị Phàng Thị Dua, bản Láy, xã Tân Xuân, cố gắng sắp xếp công việc gia đình để đều đặn tham gia lớp học chữ ở bản. Sau một ngày làm việc trên nương rẫy, chị lo cơm nước chu toàn cho gia đình rồi nhanh chóng đến lớp để kịp giờ học chữ. Chị Dua chia sẻ: Những ngày đầu đến lớp, tôi được thầy giáo uốn nắn từng nét chữ, con số. Sợ không theo kịp lớp học, ban ngày, tôi mang sách vở theo lên nương, tranh thủ lúc nghỉ trưa tập đọc, tập viết chữ. Sau 3 tháng học, tôi đã biết viết tên mình, biết đọc, biết tính toán những phép tính đơn giản.
Còn bà Thào Thị Dơ, 46 tuổi, học viên lớn tuổi nhất lớp xóa mù chữ, làm thợ may gần 20 năm nay, trước đây khi chưa biết chữ, biết viết số, bà tự nhớ tên khách hàng và số đo trong đầu. Khi biết xã mở lớp dạy chữ cho phụ nữ trong bản, bà đăng ký theo học. Bà Dơ tâm sự: Trước đây, đến xã làm giấy tờ, tôi chỉ biết lăn tay, đi học lớp xóa mù chữ, tôi đã biết viết họ tên của mình, họ tên và số đo của khách hàng. Biết chữ rất thuận tiện trong công việc, tôi rủ con dâu tham gia lớp học chữ. Cảm ơn thầy giáo đã tận tình chỉ dạy.
Khai giảng từ tháng 4/2024, lớp xóa mù chữ ở bản Láy có 35 học viên, 100% là đồng bào dân tộc Mông, độ tuổi từ 15-46, đa phần là lao động chính trong các gia đình. Lớp học được tổ chức từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ 19 giờ 30 phút và kết thúc lúc 22 giờ. Để thuận tiện cho học viên, lớp học được tổ chức tại nhà văn hóa bản. Học viên có nhiều hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, song tất cả đều mong muốn học chữ để có kiến thức phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Thầy giáo Vì Văn Lập, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Tân Xuân, cho biết: Lớp học có 3 học viên nam, còn lại là phụ nữ. Ban đầu các học viên còn e ngại, có hơi chút tự ti, nhưng chỉ một, hai tuần mọi người quen với việc đến lớp và rất hiếm khi vắng mặt. Có những buổi học, dù đã hơn 22 giờ, nhưng học viên vẫn rất hăng say luyện chữ, đánh vần, chưa muốn tan học. Đồng hành cùng lớp học, tôi cảm nhận được những cố gắng, ý chí quyết tâm của những học viên đặc biệt này.
Trong quá trình dạy học, giáo viên đứng lớp đã chủ động nghiên cứu, xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi. Đồng thời, truyền đạt kiến thức bằng cả tiếng dân tộc và phổ thông. Lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bãi bỏ các phong tục lạc hậu, chú trọng đưa nếp sống văn minh tới bà con. Từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định, người dân biết đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Ngoài ra, mỗi học viên theo học sẽ được hỗ trợ toàn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Hiện nay, 100% học viên đã biết viết, biết đọc, làm các phép tính đơn giản. Lớp học sẽ bế giảng vào cuối tháng 12/2024.
Tân Xuân có đường biên giới tiếp giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Một số bà con chưa học xong chương trình tiểu học và cũng có nhiều người dân đã học lớp xóa mù chữ từ những năm 1990 - 1991, nay tuổi đã cao, sống ở vùng sâu, vùng xa cách biệt trung tâm xã, nên tái mù chữ vì ít sử dụng.
Ông Hà Xuân Thuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, thông tin: Qua rà soát, xã có hơn 378 trường hợp trong độ tuổi từ 15-60 chưa biết chữ, trong đó, phụ nữ chiếm 53%. Hằng năm, xã đã phối hợp với Trường Tiểu học - THCS Tân Xuân, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn tổ chức lớp xóa mù chữ. Các tổ chức chính trị xã hội của xã phối hợp với bộ đội biên phòng vận động bà con tham gia lớp học. Từ năm 2022 đến nay, xã đã phối hợp tổ chức 3 lớp xóa mù chữ tại các bản Sa Lai, Cột Mốc và bản Láy. Năm 2025, chúng tôi tiếp tục mở thêm 1 lớp xóa mù chữ ở bản Bún.
Việc mở các lớp xóa mù chữ nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết, giúp người dân biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chia tay lớp học xóa mù ở bản Láy, tôi nhớ mãi những khuôn mặt, ánh mắt rạng ngời của các bà, các chị khi tự tin cầm trang sách đọc bài. Tin rằng “con chữ” sẽ nâng cao dân trí, giúp những người dân bản Láy biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có cuộc sống ngày càng ấm no.