Đầu Xuân trảy hội, lễ chùa: Không phải cứ 'tốt lễ thì dễ kêu'

Đi lễ đầu năm là truyền thống tốt đẹp của người Việt để gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, hướng thiện. Song, mọi người cần lưu ý những gì khi đến các nơi thờ tự trong dịp đầu Xuân năm mới?

Đông đảo nhân dân thành phố Sơn La đến thắp hương tại đền Vua Lê Thái Tông cầu may mắn, bình an cho gia đình và người thân trong năm mới. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đông đảo nhân dân thành phố Sơn La đến thắp hương tại đền Vua Lê Thái Tông cầu may mắn, bình an cho gia đình và người thân trong năm mới. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Sau Tết Nguyên đán, người dân khắp cả nước thường đến các ngôi chùa, đền, miếu để cầu mong sức khỏe, bình an và hạnh phúc cho gia đình.

Đi lễ đầu Xuân không chỉ là một nét đẹp văn hóa lâu đời mà còn là dịp để mỗi người hướng về những giá trị tinh thần cao đẹp, nuôi dưỡng sự thiện lành và tinh thần lạc quan trong năm mới.

Đi lễ đầu năm: Nét văn hóa tốt đẹp

Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, trụ trì chùa Thụy Ứng, Hải Lăng, Quảng Trị, cho rằng phong tục đi lễ đầu năm của người Việt xuất phát từ quan niệm “có thờ có thiêng” và “uống nước nhớ nguồn.”

 Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, trụ trì chùa Thụy Ứng, Hải Lăng, Quảng Trị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, trụ trì chùa Thụy Ứng, Hải Lăng, Quảng Trị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Những ý niệm đó đã hình thành tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, đầu tiên là thờ gia tiên (ông bà, cha mẹ), thứ đến là thờ người có công tạo ra làng (thành hoàng làng), sau là thờ những người có công với đất nước, thờ người mẹ Việt tạo ra giống nòi, hình thành nên đạo Mẫu.

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, việc cầu nguyện tạo ra sự kết nối với nguồn cội, với tổ tiên.

“Cầu nguyện làm một hình thái cao đẹp của lòng biết ơn, biết nương tựa và bồi đắp vào sức mạnh tâm thức của cộng đồng dân tộc để tương tác kết nối với anh linh tổ tiên để sống xứng đáng là ‘con Lạc cháu Hồng.’ Cầu nguyện khơi dậy những ý niệm tốt lành, đức hy sinh và sự thủy chung đầy tuệ giác về lòng yêu nước thương nòi,” Thượng tọa Thích Tâm Hiệp phân tích.

 Người dân đi lễ chùa dịp đầu Xuân để cầu mong gia đình hạnh phúc, bình an, nhiều sức khỏe, công danh thành đạt. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Người dân đi lễ chùa dịp đầu Xuân để cầu mong gia đình hạnh phúc, bình an, nhiều sức khỏe, công danh thành đạt. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cùng chung quan điểm, ni sư Thích Đàm Thanh, trụ trì chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây) cho hay du Xuân-trẩy hội-lễ chùa là nét văn hóa đẹp của người Việt sau một năm lao động vất vả, là hành vi hướng thiện của con người.

“Mọi người đi lễ đầu năm là để cầu bình an không chỉ cho mình mà còn cho gia đình, cho quốc gia, dân tộc, đúng như tinh thần Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội. Việc du Xuân, trảy hội cũng là để tìm kiếm không khí tươi vui, thư giãn,” bà Thích Đàm Thanh nói.

Ở góc độ nghiên cứu, chuyên gia văn hóa Trung Chính-Quách Trọng Trà, tác giả cuốn sách “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam-Nghi lễ và thực hành nghi lễ” cho hay người dân thường đi lễ, trảy hội Xuân tại các đền chùa, di tích, cơ sở thờ tự để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn các bậc tôn thần, cũng là để cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới.

 Người dân đi lễ dịp Tết Ất Tỵ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người dân đi lễ dịp Tết Ất Tỵ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo nhà nghiên cứu Trung Chính-Quách Trọng Trà, người dân cần phải phân biệt rõ thế nào là đình, đền, chùa, miếu mạo để có cách ứng xử, cầu nguyện cho phù hợp.

Cụ thể, chùa là nơi thờ Phật, đình là nơi thờ thành hoàng làng và cũng là nơi dân làng hội họp khi có việc chung; đền được dựng lên để ghi nhớ công ơn của những người có công với dân, với nước, những vị minh quân, các anh hùng dân tộc; miếu (miễu) cũng là nơi thờ phụng thánh thần nhưng có quy mô nhỏ; phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu, thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu…

Theo chuyên gia Quách Trọng Trà, khi đến các nơi thờ tự, người đi lễ cần thể hiện sự tôn trọng với các bậc thánh thần, trước hết là qua trang phục. Về sắm sửa lễ vật, người đi chùa nên chuẩn bị các loại lễ vật như hương, hoa quả, oản, xôi, chè…; lễ mặn chỉ được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi, tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện.

Đừng mang 'tâm tham' đi lễ

Tháng Giêng là thời điểm nhiều lễ hội Xuân diễn ra trên khắp cả nước, trong đó có những lễ hội diễn ra tại nơi thờ tự như hội Chùa Hương, hội khai ấn Đền Trần, hội Xuân Yên Tử… Theo các chuyên gia văn hóa, người dân đi lễ đầu năm nên để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, không nên mang quá nhiều mưu cầu về công danh và tài lộc.

“Riêng suy nghĩ cho rằng đến chùa cúng nhiều đồ lễ để đức Phật phù hộ là sai, không đúng với giáo lý đạo Phật. Sau khi hành lễ, chúng ta cần lưu ý, nếu muốn cúng dường chút tịnh tài cho tam bảo thì nên bỏ tiền tại hòm công đức, tránh bỏ tiền tại hương án ở chính điện, khiến cho nơi thờ cúng mất đi sự tôn nghiêm, không thể hiện được sự thành kính,” nhà nghiên cứu Quách Trọng Trà cho biết.

 Chuyên gia dân tộc học, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Xuân Đính (giữa) chia sẻ tại tọa đàm về thực hành nghi lễ thờ cúng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chuyên gia dân tộc học, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Xuân Đính (giữa) chia sẻ tại tọa đàm về thực hành nghi lễ thờ cúng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo chuyên gia dân tộc học, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Xuân Đính, nhiều người đi lễ đầu năm nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đi lễ, thường cầu xin “vô tội vạ.”

“Khi đến các di tích cần xác định đó là di tích gì để cầu, xin phù hợp. Vào chùa chúng ta không thể cầu thăng quan, tiến chức, giàu có, phát tài, phát lộc... bởi Phật dạy chúng ta không nên tham, sân, si. Vào chùa chỉ nên cầu bình an, sức khỏe,” ông Bùi Xuân Đính nêu.

Cùng chung quan điểm, Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng không phải “tốt lễ dễ kêu,” cứ dâng lên lễ vật là có thể cầu được ước thấy.

Thượng tọa cho rằng mọi người không nên mang cái “tâm tham” đi lễ, mà cần phải tu dưỡng bản thân, hướng đến những việc thiện trong cuộc sống.

 Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Đi người không cũng được, miễn là cảm thấy thư thái nhẹ nhàng, tâm thanh tịnh, không chen lấn xô đẩy để dâng lễ lên ban, để kêu cầu được nhiều,” Thượng tọa Thích Minh Quang đưa ra lời khuyên.

Thượng tọa nói thêm rằng đầu năm mọi người đi lễ tại các cơ sở thờ tự thường đốt nhiều vàng mã, tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Đó là biểu hiện của sự lãng phí và tổn hại môi trường.

“Tôi vẫn khuyên Phật tử không mang vàng mã vào chùa, không nghe ‘thầy’ phán rồi tin vào sao xấu, tin vào giải hạn, đốt hình nhân thế mạng rất lãng phí tiền bạc, thay vào đó, hãy đi làm từ thiện, giúp những người nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó,” Thượng tọa Thích Minh Quang nêu quan điểm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dau-xuan-tray-hoi-le-chua-khong-phai-cu-tot-le-thi-de-keu-post1010301.vnp
Zalo