Đầu Xuân gặp cô gái tài năng của xiếc Việt

Những động tác uốn dẻo, thăng bằng có độ khó cao đã làm nên thương hiệu cho Nghệ sĩ xiếc Nguyễn Hồng Trúc Vi (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nghệ sĩ xiếc Nguyễn Hồng Trúc Vi trong một tiết mục biểu diễn. (Ảnh NVCC)

Nghệ sĩ xiếc Nguyễn Hồng Trúc Vi trong một tiết mục biểu diễn. (Ảnh NVCC)

Cô được mệnh danh là “người không xương” của xiếc Việt, cũng là gương mặt duy nhất có tiết mục biểu diễn cá nhân đoạt giải nhất tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 diễn ra tại Hà Nội vừa qua.

íT đã có tới hơn 23 năm khổ ai biết, cô gái sinh năm 1993 luyện cùng nghề xiếc. Sinh ra trong gia đình không có ai theo nghệ thuật, Nguyễn Hồng Trúc Vi bén duyên với xiếc một cách tình cờ, tự nhiên. Ngay từ năm 8 tuổi, cô bé Trúc Vi đã chịu khó, nhanh nhẹn khi vừa đi học, vừa chăm chỉ phụ ba mẹ bán hàng.

Thấy Vi có tố chất, Nghệ sĩ xiếc Duy Hà-hàng xóm của gia đình Vi đã hỏi ba Vi có muốn con gái theo học xiếc không. “Ba tôi đồng ý ngay bởi ông vốn là người rất yêu nghệ thuật nhưng không có điều kiện để theo đuổi. Ông mong muốn con gái mình sẽ viết tiếp ước mơ của ông…”, Trúc Vi chia sẻ. Đây cũng là cột mốc đánh dấu những năm tháng khổ luyện dài đằng đẵng của Trúc Vi để đổi lấy những phút huy hoàng trên sân khấu xiếc.

Hồi tưởng quãng thời gian “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên sàn tập, Trúc Vi vẫn nhớ như in những lần vừa tập vừa khóc. Muốn uốn dẻo thuần thục thì diễn viên xiếc phải trải qua nhiều bài tập theo các cấp độ, thí dụ như động tác bẻ người, mỗi ngày bẻ một chút rồi dần dần tăng lên. Càng bẻ lại càng đau, có những lần tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng của một học sinh tiểu học.

Vừa đi học văn hóa như bao bạn bè cùng trang lứa, vừa phải bảo đảm tập luyện vài tiếng mỗi ngày cho nên không biết bao lần, Trúc Vi đã muốn bỏ cuộc, khiến ba mẹ, thầy cô phải động viên, dỗ dành. Ấy thế nhưng mỗi lần được cùng các nghệ sĩ tiền bối đi biểu diễn, được thể hiện tài năng dưới ánh đèn sân khấu, nhận những tràng pháo tay tán thưởng từ khán giả, tự mình lại có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình, nỗi sợ trong Vi lại tan biến.

Và rồi tình yêu với nghệ thuật xiếc thấm đẫm trong cô gái bé nhỏ từ lúc nào không hay, thậm chí đến khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành tài chính ngân hàng của Trường đại học Nguyễn Tất Thành, có thêm sự lựa chọn nghề nghiệp khác, Trúc Vi vẫn quyết định gắn bó cùng xiếc, dẫu biết rằng con đường mình chọn lựa vốn lắm gian nan.

Năm 18 tuổi, cô “đầu quân” cho Đoàn Xiếc Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2013, Đoàn Xiếc và Đoàn Nghệ thuật Múa rối Thành phố Hồ Chí Minh được hợp nhất thành Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam). Tại đây, Trúc Vi có cơ hội được học hỏi về chuyên môn, luyện tập với nhiều nghệ sĩ xiếc kỳ cựu để trưởng thành hơn. Bên cạnh việc chăm chỉ quan sát, học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước, cô không ngừng nỗ lực để tăng tính sáng tạo và độ khó cho những động tác của bản thân.

Hiện tại Trúc Vi đang là nghệ sĩ tài năng chuyên về uốn dẻo, thăng bằng của Đoàn xiếc Mặt Trời Đỏ (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam). Cô đã có trong tay nhiều giải thưởng danh giá là kết quả của quá trình phấn đấu, cống hiến vì nghệ thuật xiếc, như: giải nhì Cuộc thi Tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc năm 2018 với tiết mục uốn dẻo đôi cùng đồng nghiệp; giải nhất Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021 với tiết mục xiếc tập thể “Sắc sen”; là một trong 14 cá nhân được vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021; và gần đây là giải nhất tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024…

Nghệ sĩ Trúc Vi chia sẻ, để có được những dấu ấn thành công ấy, cũng như nhiều nghệ sĩ xiếc khác, cô không nhớ nổi bao nhiêu lần mình gặp chấn thương. Có lần, khi đang biểu diễn, cô bị té văng ra bất tỉnh một lúc. Chưa kể, vô số lần khác, khi thực hiện những động tác bẻ dẻo dẫn đến chèn ép các dây thần kinh, cô không tránh khỏi bị choáng váng…

Đã xác định theo nghiệp xiếc, nhất là ở bộ môn uốn dẻo, thăng bằng, đó là điều buộc phải “sống chung” với những chấn thương. Thế nên, nhiều năm qua, Vi vẫn luôn làm bạn với “căn bệnh nghề nghiệp” đau xương khớp, đau cơ.

Cô chia sẻ, tuổi nghề của diễn viên xiếc rất ngắn, nhất là với các nữ nghệ sĩ. Khổ luyện nhiều năm mới ra được tiết mục, song ngoài 30, 40 tuổi đã khó có thể biểu diễn tiếp. Mặc dù vậy, cô vẫn muốn được gắn bó lâu dài cùng bộ môn nghệ thuật này.

Bước sang năm mới 2025, Nghệ sĩ xiếc Trúc Vi mong muốn khám phá thêm những giới hạn của bản thân. Cô đang đặt mục tiêu chinh phục những kỹ thuật khó, dàn dựng những tiết mục phức tạp có độ khó cao. Với Nghệ sĩ xiếc Trúc Vi, chừng nào còn được đứng trên sân khấu, chừng đó cô sẽ còn cố gắng “cháy” hết mình vì nghệ thuật xiếc, vì những khán giả thân yêu và vì trách nhiệm, ý thức nghề nghiệp của người nghệ sĩ…

ĐẮC LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dau-xuan-gap-co-gai-tai-nang-cua-xiec-viet-post859300.html
Zalo