Đầu tư vào vàng liệu có an toàn?
Giá vàng trong nước hiện đang ở mức 122 triệu đồng/lượng và giữ khoảng cách cao hơn giá vàng thế giới gần 12-13 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia chỉ rõ, giá vàng trong nước tăng cao do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, do nguồn cung trong nước hạn hẹp, cùng với đó là do tâm lý sợ bị bỏ lỡ...
4 tháng đầu năm, giá vàng tăng gần 33%
Tính đến 9h00 ngày 8/5, giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở ngưỡng 120,2-122,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 120,2-122,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 118-120,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra ở mức 2,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tiếp tục neo ở mức cao. Ảnh: Lê Khánh.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 3.376 USD/ ounce. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 107,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 12,8 triệu đồng/lượng.
Từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thực hiện giải pháp tăng cung vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC. Nhờ vậy, khoảng cách giá vàng trong nước – thế giới đã được duy trì ổn định, dao động trong biên độ 3-5 triệu đồng/lượng. Nhưng sang đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỷ lục trước đó. Kể từ tháng 4/2025, thị trường nhanh chóng đảo chiều. Tới ngày 23/4, chênh lệch giá trong nước và giá thế giới bất ngờ bật lên mức 14,48 triệu đồng/lượng, kéo theo tâm lý hoang mang trong dân và một làn sóng mua vàng mới.
Theo Cục Thống kê, giá vàng trong nước trong tháng 4/2025 biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Trong tháng 4 giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh và lập đỉnh mới do bất ổn địa chính trị kéo dài, từ chiến sự tại Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông đến mâu thuẫn thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng tâm lý phòng ngừa rủi ro, thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vào vàng.
Trong nước, chỉ số giá vàng tăng cao hơn thị trường thế giới. Tháng 4/2025, giá vàng trong nước đã tăng 10,54% so với tháng trước; tăng 37,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 32,85%.
Thực tế cho thấy, giá vàng không chỉ tăng đơn thuần mà đang phản ánh một sự dịch chuyển mang tính cấu trúc trong niềm tin toàn cầu đối với hệ thống kinh tế - tiền tệ. Trong số những yếu tố tác động, tâm lý trú ẩn an toàn tiếp tục là lực đẩy chính.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, chênh lệch giá vàng tăng mạnh trở lại từ đầu tháng 4 đến nay do 3 nguyên nhân chính. Trong đó có tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.
Bên cạnh đó nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định, nên từ đầu năm 2025 đến nay, NHNN không phải can thiệp thị trường.
Ngoài các nguyên nhân trên, không loại trừ nguyên nhân là có một số doanh nghiệp (DN), cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi. Dù vậy, NHNN cho rằng, diễn biến của thị trường vàng hiện nay chưa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ.
Thận trọng khi giao dịch vàng
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cảnh báo, nhà đầu tư cần thận trọng với vàng lúc này, vì dư địa tăng giá không còn nhiều và đang trong tình thế có thể quay đầu bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên cao, đồng nghĩa nhà đầu tư phải chịu rất nhiều rủi ro nếu giá vàng thế giới điều chỉnh.
Thực tế, giá vàng tăng chỉ giúp các DN kinh doanh vàng thu lợi. Khi giá vàng tăng, các DN “than” hết hàng và bán ra nhỏ giọt, người dân muốn mua cũng khó, chưa kể các DN cũng nới khoảng cách mua bán rộng ra. Ngoài ra, người dân còn không lường trước được, giá vàng cũng có thể quay đầu giảm nếu như giá vàng thế giới đảo chiều. Vì vậy, nếu người dân mua – bán vàng thời điểm này dễ gặp rủi ro.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính...) để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập, vi phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo các cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh khuyến nghị, nhà đầu tư nên coi vàng là hầm trú ẩn, thay vì kênh đầu tư. Các yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá đang suy yếu và chắc chắn không còn giữ được đà tăng nhanh như thời gian qua. Vàng được cho là tấm gương phản chiếu sự bất định của thế giới. Dự đoán, trước mắt, giá vàng vẫn sẽ neo ở mức cao do kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn bất ổn. Tuy vậy, ở giai đoạn này, nhà đầu tư cần giữ sự tỉnh táo vì giá vàng tăng không có nghĩa tất cả các kênh đầu tư khác suy giảm. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang phân hóa, đòi hỏi nhà đầu tư phải có chiến lược chủ động và linh hoạt hơn. Vàng không nên chiếm tỷ trọng quá lớn trong danh mục đầu tư – dù là tài sản trú ẩn vì vàng không tạo ra dòng tiền như cổ phiếu hay bất động sản. Nhà đầu tư nên tránh rơi vào tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, nhằm kiểm soát tốt hơn các biến số rủi ro của thị trường hiện tại.