Đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ em là đầu tư cho tương lai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các hành động để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đảm bảo rằng mọi bà mẹ và trẻ sơ sinh đều nhận được sự chăm sóc xứng đáng.
Theo WHO, những số liệu mới nhất về tình hình sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam cho thấy sự cải thiện đáng kể. Tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm mạnh trong những thập kỷ qua, từ 88 ca tử vong trên 100.000 trẻ sinh vào năm 2000 xuống còn 48 ca vào năm 2023.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong việc bảo vệ sinh mạng của những thành viên nhỏ tuổi nhất trong xã hội và các bà mẹ.
Đặc biệt, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cũng giảm mạnh, từ 15 ca trên 1.000 trẻ sinh vào năm 2000 xuống còn 10 ca vào năm 2023. Những số liệu này cho thấy một tín hiệu tích cực về sự phát triển của hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam.
TS.Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong việc bảo vệ sinh mạng của những thành viên nhỏ tuổi nhất trong xã hội và các bà mẹ.
Những thành tựu này đạt được nhờ vào việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, công tác tiêm chủng, cùng các cải thiện về dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh. Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo mạnh mẽ trong công tác này, với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các đối tác.
Tuy nhiên, TS.Angela Pratt cũng cảnh báo rằng vẫn còn sự chênh lệch rõ rệt về tỷ lệ tử vong giữa các khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng.
Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn so với mức trung bình của khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, nơi tỷ lệ tử vong mẹ là 35 ca trên 100.000 ca sinh.
Để thu hẹp khoảng cách này, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng cho tất cả bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, vùng cao, vùng núi.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng chăm sóc bằng cách đào tạo nhân viên y tế, thiết lập các cơ chế giám sát chất lượng và đảm bảo không gián đoạn trong cung cấp các dịch vụ cơ bản như nước sạch, vệ sinh và các vật tư y tế thiết yếu.
TS.Angela Pratt nhấn mạnh rằng đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ em không chỉ giúp bảo vệ sự sống của các em bé và bà mẹ, mà còn là đầu tư cho một tương lai tươi sáng hơn cho cả đất nước.
“Mang thai và sinh nở đáng lẽ phải là thời gian của niềm vui, nhưng đối với quá nhiều gia đình, đó lại là một kết thúc không mong muốn,” bà chia sẻ. “Sinh mạng của mỗi bà mẹ và mỗi trẻ sơ sinh đều quý giá, vì vậy chúng ta phải làm mọi thứ có thể để thu hẹp những khoảng cách trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.”
WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai nên đi khám sức khỏe định kỳ với các chuyên gia y tế để theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện các biến chứng có thể xảy ra. Các buổi khám này rất quan trọng trong việc giúp phụ nữ mang thai duy trì một lối sống lành mạnh và tránh những yếu tố nguy cơ như rượu bia và khói thuốc.
Bên cạnh những tiến bộ tại Việt Nam, WHO cũng công bố một báo cáo về tình trạng tử vong mẹ trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 40% từ năm 2000 đến 2023 nhờ vào việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy sự chậm lại trong tiến trình này từ năm 2016, đặc biệt là do các khoản cắt giảm viện trợ nhân đạo đang tác động nghiêm trọng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu ở nhiều khu vực trên thế giới.
Ước tính có 260.000 phụ nữ đã tử vong trong năm 2023 do các biến chứng từ thai kỳ và sinh đẻ, tương đương với một ca tử vong mỗi hai phút. Tình trạng khủng hoảng viện trợ toàn cầu khiến các quốc gia phải cắt giảm các dịch vụ quan trọng, dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở y tế và gián đoạn chuỗi cung ứng thuốc men và vật tư thiết yếu.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có những hành động khẩn cấp, phụ nữ mang thai tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng của khủng hoảng nhân đạo, sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Các quốc gia cần đầu tư mạnh mẽ vào các nữ hộ sinh, nhân viên y tế và cải thiện hệ thống y tế để bảo vệ sự sống còn của bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Giám đốc điều hành UNICEF, bà Catherine Russelld nhấn mạnh, việc cắt giảm viện trợ toàn cầu cho các dịch vụ y tế sẽ khiến phụ nữ mang thai gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thiết yếu và hỗ trợ khi sinh nở, điều này đem lại nhiều rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những phụ nữ mang thai ở các khu vực dễ bị tổn thương.
Dù tỷ lệ tử vong mẹ toàn cầu đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua, nhưng sự chậm lại trong tiến độ và tác động của các cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể dẫn đến sự thụt lùi nghiêm trọng.
Để đạt được mục tiêu giảm tử vong mẹ của Liên Hợp Quốc vào năm 2030, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp, đảm bảo tất cả phụ nữ mang thai có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng.
Chỉ thông qua sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống y tế và nhân lực y tế, chúng ta mới có thể ngừng tử vong mẹ có thể phòng ngừa và đảm bảo một tương lai tươi sáng cho các thế hệ sau.