Đầu tư vào quản trị là đầu tư cho sự phát triển bền vững
Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu nâng chất lượng quản trị công ty niêm yết lên mức trung bình, vượt qua chuẩn mực của khu vực Đông Nam Á.
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho biết, đây không chỉ là một định hướng chiến lược mà còn là nhiệm vụ sống còn để biến Việt Nam thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, đồng thời xây dựng thị trường chứng khoán đẳng cấp quốc tế.
Phóng viên:Chất lượng quản trị công ty sẽ có những tác động thế nào thị trường chứng khoán, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huy: Quản trị công ty – vốn được xem là xương sống của bất kỳ nền kinh tế thị trường nào – có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, đảm bảo sự minh bạch và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.
Đối với thị trường chứng khoán, quản trị công ty không đơn thuần chỉ là việc thực thi các quy định pháp lý mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Các công ty niêm yết với hệ thống quản trị tốt sẽ gia tăng được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư yên tâm mà còn bảo vệ lợi ích của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ.
Quản trị tốt còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng huy động vốn. Doanh nghiệp với hệ thống quản trị chuẩn mực dễ dàng thu hút các dòng vốn dài hạn từ các quỹ đầu tư lớn, vốn đặt niềm tin vào sự minh bạch và hiệu quả.
Từ đó, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, bởi một hệ sinh thái doanh nghiệp quản trị tốt giúp giảm thiểu gian lận tài chính, nâng cao niềm tin vào thị trường và tạo động lực cho dòng vốn ngoại.
Phóng viên: Ông đánh giá sao về việc hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ về nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết?
Ông Nguyễn Quang Huy: Quản trị công ty chuẩn quốc tế là điều kiện tiên quyết để Việt Nam nâng tầm thị trường chứng khoán, thu hút dòng vốn lớn và khẳng định vị thế trong khu vực. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự hợp lực giữa Chính phủ, cơ quan quản lý và bản thân các doanh nghiệp.
Đầu tư vào quản trị không chỉ là đầu tư cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn là đầu tư cho tương lai của thị trường tài chính quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một thị trường đẳng cấp quốc tế nếu quản trị công ty được coi là một giá trị cốt lõi và được thực hiện một cách quyết liệt.
Phóng viên:Rõ ràng lợi ích là rất lớn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại khá “thờ ơ” với quản trị công ty, hoặc nếu thực hiện thì cũng chỉ “làm cho có”. Theo ông, vì sao quản trị công ty vẫn chưa thực sự được chú trọng?
Ông Nguyễn Quang Huy: Theo tôi, nguyên nhân đến từ ba yếu tố chính:
Một là, nhận thức hạn chế về giá trị quản trị công ty. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp coi quản trị công ty là một chi phí hơn là một khoản đầu tư chiến lược. Họ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn như lợi nhuận, thay vì xây dựng một nền tảng bền vững.
Hai là, doanh nghiệp thiếu áp lực từ thị trường và cơ quan quản lý. Việc giám sát và chế tài đối với doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm ngặt. Các quy định quản trị hiện tại vẫn còn dư địa để doanh nghiệp “lách luật”, dẫn đến tình trạng thực hiện quản trị chỉ để đáp ứng yêu cầu tối thiểu.
Ba là, hạn chế về nguồn lực. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa – chiếm phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam – thiếu đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và công cụ cần thiết để xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả.
So với các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Malaysia, Việt Nam đang đặt mục tiêu cao hơn trong việc chuẩn hóa quản trị công ty, nhưng con đường để đạt được điều đó vẫn còn nhiều thách thức.
Tuy nhiên, hiện nay, quản trị công ty tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ để đạt đến tiêu chuẩn quốc tế.
Phóng viên: Theo ông, để tạo dựng một văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ quản trị xuất sắc cần những yếu tố nào?
Ông Nguyễn Quang Huy: Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng hỗ trợ quản trị xuất sắc. Nói cách khác, một hệ thống quản trị công ty xuất sắc không thể thiếu một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh. Để xây dựng văn hóa này, doanh nghiệp cần tập trung vào xây dựng giá trị cốt lõi dựa trên minh bạch và trách nhiệm. Những giá trị này phải được thấm nhuần ở mọi cấp độ tổ chức, từ ban lãnh đạo đến nhân viên.
Ngoài ra, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Một môi trường làm việc khuyến khích đổi mới sẽ giúp doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với những biến động của thị trường.
Thêm vào đó, cần phải tập trung đầu tư vào chất lượng nhân sự. Các chương trình đào tạo và phát triển nhân sự không chỉ cải thiện hiệu suất làm việc mà còn tạo nên đội ngũ sẵn sàng thực thi các tiêu chuẩn quản trị cao nhất.
Phóng viên: Vậy Hội đồng quản trị (HĐQT) cần làm gì để dẫn dắt doanh nghiệp hướng tới quản trị xuất sắc, đặc biệt trong môi trường kinh doanh biến động?
Ông Nguyễn Quang Huy: HĐQT cần đóng vai trò định hướng chiến lược và dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua những thách thức trong môi trường kinh doanh đầy biến động. HĐQT phải xây dụng được các chiến lược linh hoạt. Chiến lược đó phải bao gồm các kịch bản dự phòng, sẵn sàng ứng phó với các rủi ro bất ngờ như biến động kinh tế, khủng hoảng tài chính hay thay đổi chính sách.
Các thành viên trong HĐQT đa dạng về chuyên môn, kinh nghiệm và quốc tịch, điều này sẽ mang lại các góc nhìn phong phú, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định toàn diện hơn.
Đồng thời, phải tăng cường kết nối giữa cổ đông và quản trị. Sự gắn kết giữa HĐQT và cổ đông sẽ tạo nên một hệ thống quản trị bền vững, giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.