Đầu tư vào 'chữ S' là chiến lược dài hạn của doanh nghiệp
Chữ S, tức yếu tố xã hội trong thực hành phát triển bền vững theo ESG, là chiến lược đem lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp.
Đầu tư vào “chữ S”, tức yếu tố xã hội, là một trong những định hướng quan trọng của Công ty TNHH SCG Việt Nam, theo ông Chaturon Thipphiansak, Phó tổng giám đốc công ty.
“Chúng tôi có các ban chuyên môn hỗ trợ thúc đẩy môi trường làm việc hạnh phúc, tôn trọng nhân tài”, ông Chaturon Thipphiansak cho biết tại hội thảo về vai trò, vị trí của nguồn nhân lực trong khía cạnh "xã hội" áp dụng với doanh nghiệp thực thi ESG do Dân trí tổ chức.
Với kinh nghiệm nhiều năm theo đuổi ESG, đại diện SCG Việt Nam khẳng định, ESG trong doanh nghiệp không thể thành công nếu bỏ qua yếu tố môi trường làm việc hạnh phúc, văn hóa doanh nghiệp được nuôi dưỡng và ý thức an toàn cho nhân viên được khuyến khích.
Lý giải về vai trò của “chữ S” trong thực hành ESG, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, đầu tư vào người lao động là bài toán lâu dài, có thể tác động không nhỏ đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Bởi, môi trường làm việc tốt, an toàn, thân thiện sẽ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của người lao động. Mặt khác, người lao động sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuyển mới nhân viên trong bối cảnh biến động.
Ở một tập thể tạo dựng được niềm hạnh phúc, nuôi dưỡng tinh thần làm việc và cống hiến, người lao động có nhiều năng lượng và niềm tin để hướng đến những giá trị lớn hơn. Đây cũng là chìa khóa để doanh nghiệp triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững.
Ở chiều ngược lại, việc thực hành phát triển bền vững một cách bài bản cũng là yếu tố giúp người lao động có niềm tin vào những mục tiêu doanh nghiệp đặt ra, qua đó tự hào hơn về công việc và gắn kết hơn với nơi làm việc.
Đồng quan điểm, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture và Quỹ vì tương lai xanh thuộc Tập đoàn Vingroup, cho biết, thực tế đã chỉ ra, nhân viên gắn kết hơn, có năng suất cao và hài lòng đối với những doanh nghiệp, tổ chức sở hữu môi trường làm việc thân thiện, công bằng, đáp ứng phúc lợi và tạo ra sự gắn kết.
Mặt khác, những tổ chức, doanh nghiệp này cũng tạo dựng được hình ảnh đẹp về thương hiệu, qua đó có sự thuận lợi trong mở rộng thị trường hoặc thu hút đội ngũ nhân tài.
Ngược lại, doanh nghiệp không có chính sách lao động tốt sẽ khó giữ chân nhân tài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, với sự phát triển của các nền tảng xã hội trực tuyến, doanh nghiệp dễ dàng mang “tiếng xấu”, bị lên án, tẩy chay nếu có cách ứng xử không phù hợp, thiếu tôn trọng người lao động.
Nhìn nhận được những cơ hội và giá trị từ việc quan tâm đến đội ngũ nhân sự, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào “chữ S”, thông qua các chương trình sáng tạo như dịch vụ tư vấn 24/7 cho nhân viên ở Mondelez Việt Nam, chương trình gắn kết thế hệ ở Coca Cola Việt Nam…
Đáng chú ý, những giải pháp của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở chăm sóc nhân viên mà còn quan tâm đến đời sống, sức khỏe thể chất, tinh thần của người thân, gia đình mỗi nhân viên, thông qua các gói phúc lợi, chương trình học bổng cho con, em, chính sách nghỉ thai sản cho người chồng khi vợ sinh em bé…
Những giải pháp đầu tư vào nhân sự của doanh nghiệp không chỉ cải thiện môi trường làm việc, hiệu quả công việc mà còn là nền tảng để tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội.
Chẳng hạn, thông điệp về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, người khuyết tật, tôn trọng quyền của người LGBT được lan tỏa rộng rãi trong xã hội, những nhóm người yếu thế có được sự tự tin và được trao cơ hội chứng tỏ bản thân, vươn lên trong cuộc sống, bắt nguồn từ chính sách nhân sự tiến bộ và sáng suốt của một số doanh nghiệp.