Đầu tư PPP cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, triển khai trước năm 2030

Đây là một trong những nội dung kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng).

Xem xét hướng tuyến, phương án tài chính, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia

Thông báo kết luận được Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 19/9 nêu rõ, tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối hai địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh là duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn của đất nước là tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.

Theo đề xuất, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ đi song song với QL27C

Theo đề xuất, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ đi song song với QL27C

Theo báo cáo của tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao; cần có một tuyến đường chất lượng cao và an toàn kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước (thành phố Đà Lạt - thành phố hoa và thành phố Nha Trang - thành phố biển) nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Do vậy nhu cầu sớm đầu tư tuyến đường cao tốc này là rất cần thiết.

Để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai Dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất nghiên cứu triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa sớm thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và Nhà đầu tư đề xuất dự án về thiết kế hướng tuyến, các giải pháp kỹ thuật xây dựng để đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng đến rừng, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, hiệu quả đầu tư và các thủ tục để triển khai dự án trước năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương và Nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hướng dẫn các thủ tục về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương và Nhà đầu tư đề xuất dự án các nội dung, thủ tục liên quan để sớm hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng Dự án.

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đi song song với Quốc lộ 27C

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đi song song với Quốc lộ 27C

Trước đó, chiều 25/8, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo quyết định đã được phê duyệt, cao tốc Nha Trang - Liên Khương sẽ triển khai sau năm 2030. Tuy nhiên, tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho làm cao tốc này trước năm 2030 và chấp thuận phương án tăng vốn ngân sách nhà nước với tỷ lệ chiếm 70% để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Địa phương lý giải nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), có sự hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% vốn sẽ không khả thi do kéo dài thời gian hoàn vốn (hơn 48 năm). Việc này dẫn tới khả năng huy động vốn của nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng. Để giảm thời gian thu phí xuống còn 26,9 năm, ngân sách cần tham gia vốn chiếm 70%.

Rút ngắn thời gian từ Nha Trang đi Đà Lạt chỉ còn chưa đến 2 giờ

Cuối tháng 5/2024, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa đề nghị được tổ chức nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất đầu tư Dự án đường bộ cao tốc từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phía Sơn Hải đề nghị địa phương cho phép được nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất dự án tuyến cao tốc này.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) về việc đầu tư, xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt (cao tốc Nha Trang - Đà Lạt).

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có công văn giao Sở GTVT tải tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh kiểm tra, xem xét nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

Hiện nay, Quốc lộ 27C (QL27C) là tuyến đường độc đạo nối TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trên tuyến có đèo Khánh Lê dài khoảng 30km là đèo dài nhất Việt Nam, địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển trọng tải lớn.

QL27C thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Với nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao; nhu cầu kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước là TP. Đà Lạt và TP. Nha Trang bằng một tuyến đường chất lượng cao và an toàn; nhu cầu cơ động nhanh trong nhiệm vụ quốc phòng - an ninh thì việc đầu tư đường bộ cao tốc nối từ Nha Trang đến Đà Lạt là cần thiết và cấp bách.

Theo đó, dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1,5 – 2 giờ (so với hiện tại khoảng 3,5 – 4 giờ), là động lực lớn thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển và hoa, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.

Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải...

Hiện tập đoàn Sơn Hải đang tập trung công tác chuẩn bị đầu tư và đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Cụ thể, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dự kiến dài hơn 80,8km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/h. Giai đoạn thực hiện khoảng từ 2024-2028. Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án 17.540 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 7.500 tỷ đồng.

L.Chi

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/dau-tu-ppp-cao-toc-nha-trang-da-lat-trien-khai-truoc-nam-2030-183240920084131852.htm
Zalo