Đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả đáng ghi nhận
Lời Tòa soạn: Qua 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, Gia Lai đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Để hiểu rõ thêm vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
* P.V: Thưa ông, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi như thế nào?
- Ông KPĂ ĐÔ: Là cơ quan Thường trực Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch cũng như các cơ chế để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, đơn vị tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các kế hoạch thực hiện; trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nghị quyết liên quan theo thẩm quyền; báo cáo đề xuất các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cùng với các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Tổng vốn ngân sách nhà nước phân bổ để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2022-2024 là hơn 2.183 tỷ đồng (trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ gần 1.917 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 266 tỷ đồng). Đến nay, tỉnh đã giải ngân được hơn 1.057 tỷ đồng.
* P.V: Có thể thấy, bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những đổi thay rõ rệt. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà chương trình đã đem lại?
- Ông KPĂ ĐÔ: Các dự án thuộc chương trình đã được triển khai và đem lại những kết quả đáng phấn khởi. Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ đất ở cho 36 hộ, nhà ở cho 1.504 hộ, đất sản xuất cho 125 hộ, chuyển đổi nghề cho 3.331 hộ, nước sinh hoạt phân tán 4.726 hộ, xây dựng 6 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thực hiện được 13 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết với 1.838 hộ thụ hưởng. Nhằm phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tỉnh đã tổ chức thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng được 92.329 ha; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị 168 dự án; hỗ trợ 6 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được chú trọng đầu tư xây dựng với 153,6 km đường giao thông nông thôn, 536 m2 phòng học, 4 nhà sinh hoạt cộng đồng, cứng hóa 70 km đường giao thông liên xã, xây dựng 6 chợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS cũng được quan tâm triển khai.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác định canh, định cư và sắp xếp, bố trí ổn định hộ di cư không theo quy hoạch đạt 97%. 100% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm và được cứng hóa. Tỷ lệ người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,7%; được xem truyền hình đạt 100%. Tỷ lệ di sản văn hóa truyền thống được kiểm kê, sưu tầm đạt 65%; tỷ lệ điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư, khai thác song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đạt 30%.
Đến nay, 98,35% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 80% thôn, làng có đội văn hóa-văn nghệ hoạt động thường xuyên, có chất lượng. 100% đơn vị hành chính cấp xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có cán bộ phụ trách công tác dân tộc.
* P.V: Để chương trình tiếp tục mang lại kết quả cao hơn trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nào, thưa ông?
- Ông KPĂ ĐÔ: Đến nay, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã có 12/31 chỉ tiêu đạt và vượt theo kế hoạch giai đoạn đề ra. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình để tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình và thoát nghèo bền vững hơn như: hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ nhu cầu cấp thiết của người dân về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện chương trình để kịp thời phát hiện những sai sót, vướng mắc và đề ra những giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình.
* P.V: Xin cảm ơn ông!