Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khơi thông nguồn lực phát triển

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, để tháo điểm nghẽn về hạ tầng, khơi thông nguồn lực, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, một số đại biểu đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm có tác dụng thúc đẩy địa phương cũng như cả vùng phát triển.

Ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên

Nhấn mạnh Tây Bắc là một địa danh mảnh đất anh hùng còn mãi vang dội dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, với mục tiêu tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết tiểu vùng Tây Bắc với vùng trung du miền núi Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội, thời gian qua Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Đến nay, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài 34 km đã được khởi công ngày 29/9/2024. Đối với đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, tỉnh đang triển khai quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến tháng 5/2025 sẽ khởi công.

Đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025, Chính phủ đã xác định tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng. Đại biểu Vi Đức Thọ bày tỏ đồng tình và nhất trí rất cao về các nhiệm vụ, giải pháp này và đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành sớm chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn từ huyện Mộc Châu đến thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La và tổng hợp vào danh mục đầu tư công trình trung hạn giai đoạn 2026-2030, đảm bảo hoàn thành trước năm 2030. Ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ thành phố Sơn La đến tỉnh Điện Biên, tạo hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên theo Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị.

Đại biểu khẳng định đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng, tiếp tục giúp các tỉnh phía Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng phát huy được tiềm năng, khơi thông nguồn lực phát triển bền vững, tiến kịp sự phát triển chung và là điều kiện quan trọng đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.

Đại biểu Vi Đức Thọ cũng mong muốn các địa phương, bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ, chia sẻ nguồn lực, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, đảm bảo tiến độ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 01/9/2021.

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược vùng Tây Nguyên

Phát triển Tây Nguyên bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ xuyên suốt trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển các địa phương trong vùng và cả nước. Đây là quan điểm được Bộ Chính trị khẳng định tại Nghị quyết 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, vùng Tây Nguyên đón nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành về mọi mặt, nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành và nhiều hạng mục công trình khác được đầu tư, triển khai, từng bước góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược vùng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên còn hết sức khó khăn, mạng lưới kết cấu hạ tầng trong vùng còn thiếu. Vì vậy rất cần sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ để tạo động lực cho Tây Nguyên tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với các vùng miền trong cả nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ quan tâm bố trí kinh phí đã hoàn thiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn kilômét 1667+570, kilômét 1738+140 Quốc lộ 14 tỉnh Đắk Lắk. Đây là dự án do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư vào năm 2014 với quy mô 2 làn xe, đến năm 2017 Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó bổ sung hạng mục xây dựng một đơn nguyên cầu 110, huyện Ea h'leo tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không được kéo dài nên dự án đã phải tạm dừng. Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay khối lượng đã hoàn thành 88%, còn lại 12% chưa được thi công. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn và được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, ghi nhận, đề xuất. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn dở dang, ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt người dân.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư

Qua khảo sát thực tế và phản ánh của cử tri và Nhân dân địa phương, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ thống nhất xây dựng tuyến giao thông kết nối khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam tạo hành lang giao thông liên tỉnh, liên vùng Quảng Ngãi - sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), tạo thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa, hành khách và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của sân bay Chu Lai, tạo tiền đề tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được đưa vào khai thác từ năm 2018, tuy nhiên đến nay nút giao Trì Bình - Dung Quất kết nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tuyến đường Trì Bình - Dung Quất để lưu thông vào Khu kinh tế Dung Quất vẫn còn dở dang, chưa được đầu tư xây dựng nên chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vấn đề này, Đoàn Đại biểu Quốc hội và cử tri Quảng Ngãi đã kiến nghị nhiều lần và Bộ Giao thông vận tải đã trả lời sẽ triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Ngoài ra, để phát huy lợi thế, tiềm năng của khu kinh tế Dung Quất, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng nút giao Trì Bình - Dung Quất đáp ứng mong đợi của cử tri.

Kiến nghị đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm tại đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long khẳng định, chưa bao giờ hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Từng là vùng trũng cao tốc, đến nay đã có 120km cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ được đưa vào khai thác, mục tiêu đến năm 2025 toàn vùng sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác và đến năm 2030 là 763km. Đây là những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển, vươn lên cùng cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu cho biết, biến đổi khí hậu đang là thách thức không nhỏ đối với hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế ghi nhận, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực, như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là quốc lộ 1 qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau. Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.

Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ khẳng định, cử tri thành phố Cần Thơ rất phấn khởi và đồng tình trước các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước về việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo kế hoạch của Chính phủ đã đề ra đến cuối năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành gần 600 km đường cao tốc và đến 2030 sẽ hoàn thành thêm 600 km nữa, nâng tổng số lên 1.200 km đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - đây là niềm vui rất lớn của cử tri địa phương.

Đại diện cho cử tri An Giang, đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, hiện nay đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế như thiếu công nghệ, thiếu nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ có những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics.

Theo báo cáo của Chính phủ, đồng bằng sông Cửu Long hiện đang được triển khai 16 dự án với vốn vay nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD để góp phần phát triển kinh tế vùng, đại biểu Trình Lam Sinh kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư 03 công trình giao thông quan trọng: Dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối Quốc lộ 91C đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang. Dự án xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự kết nối các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An, hình thành tuyến hành lang giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 950 thuộc tỉnh An Giang và đoạn kết nối quốc lộ 110 của tỉnh Kandal Vương quốc Campuchia đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu đoạn ngắn nhất đến thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng khẳng định thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bố trí vốn theo yêu cầu của nhiều tỉnh đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hầu như chỉ tập trung các công trình lớn từ các tỉnh tuyến trên, còn hệ thống giao thông thủy lợi ở Cà Mau hầu như không được đầu tư công trình lớn nào nên hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất của tỉnh không đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Do đó, đại biểu kiến nghị Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sớm đầu tư giai đoạn 2 của hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, nhằm làm chậm xâm nhập mặn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ sản xuất, đủ điều kiện bơm nước vào hệ thống kênh trong mùa khô để phục vụ tình trạng bị thiếu nước cuối mùa vụ và giảm nguy cơ sụt lún, sạt lở, phát huy tối đa khu vực này.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt đề án phòng, chống sụt, sạt lở, hạn mặn, thiếu nước sạch sinh hoạt của Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, cần quan tâm, tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống đê biển, khép kín đê biển Tây, đầu tư hoàn thiện đê biển Đông và kè những đoạn còn lại để bảo đảm đê biển…

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=90672
Zalo