Đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao: Hiện nay là thời điểm thích hợp!

Đại biểu Nguyễn Phi Thường thống nhất cần thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự án tại Kỳ họp và nhấn mạnh thời điểm hiện nay dù chậm so với mong muốn nhưng là thời điểm thích hợp, hội tụ đủ các điều kiện.

Tránh điều chỉnh Nghị quyết nhiều lần

Sáng 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhất trí điều chỉnh chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhất trí điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện Dự án, xây thêm đường cất cánh số 3 như Chính phủ trình.

Đại biểu cho biết, Dự án này đã được sửa đổi nhiều lần, gần như 1, 2 năm lại điều chỉnh. Điều này cho thấy, việc Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia nhưng quy định những vấn đề quá chi tiết, sẽ dẫn đến thường xuyên phải trình Quốc hội điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phát biểu thảo luận.

Vì vậy, cần nghiên cứu Quốc hội quyết định những nội dung gì, vấn đề gì giao Chính phủ, các bộ, ngành quyết định cho linh hoạt, tránh phải điều chỉnh nhiều lần, gây lãng phí thời gian, công sức.

Về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để đầu tư. Theo đại biểu, trong Nghị quyết, cần cân nhắc ghi nhận những vấn đề gì, Quốc hội xem xét dự án tổng thể, số liệu đưa ra không nên quá chi tiết, không nhất thiết phải đi quá sâu vào vấn đề mang tính kỹ thuật, tạo thuận lợi cho Chính phủ. Đồng thời, Quốc hội nâng cao trách nhiệm giải trình, giám sát, có thể yêu cầu báo cáo, giải trình khi nào thấy cần thiết.

Nêu rõ tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án chưa có tiền lệ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, nên có cơ chế đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất. Vì vậy, thẩm quyền này nếu giao cho Chính phủ thì không phù hợp.

Về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhất trí với nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.

Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu, Luật Đất đai vừa có hiệu lực, bây giờ đưa ra 1 nghị quyết thí điểm thực ra là bổ sung quy định của Luật Đất đai. Vì vậy, cần có quy định những đề xuất gì đưa ra Quốc hội không được thông qua thì phải thời gian bao lâu mới trình tiếp.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng băn khoăn vì trước tình trạng sốt đất, giá tăng phi mã không giải thích được và chưa có giải pháp nào giải quyết, bây giờ cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, liệu có tạo nên 1 cơn sóng về sốt đất với các loại đất này nữa hay không? Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phạm vi thí điểm nên gọn lại ở một vài địa phương để đánh giá hiệu quả.

Thời điểm thích hợp để đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội (Đoàn thành phố Hà Nội) thống nhất cần thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự án. Tại thời điểm hiện nay dù chậm so với mong muốn nhưng là thời điểm thích hợp, hội tụ đủ các điều kiện.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường thảo luận tại tổ.

Đại biểu nhìn nhận, đường sắt tốc độ cao khi đưa vào khai thác sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, khi đó sẽ có ý nghĩa quan trọng trong phân bổ dân cư, giảm áp lực với hạ tầng các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhấn mạnh dự án có nguồn vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm hơn 6 tỷ USD, mang tính động lực phát triển, đại biểu bình luận, nếu triển khai tốt sẽ giúp cho phát triển đất nước trong tương lai, nhưng nếu có rủi ro thì sẽ đem lại nhiều hệ lụy.

Theo ông Thường, việc đề xuất 19 nhóm cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho việc triển khai dự án xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến đưa vào khai thác sử dụng là cần thiết. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung toàn bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện mô hình TOD đã được nêu trong Luật Thủ đô sửa đổi, cũng như cập nhất các cơ chế chính sách mới đặc biệt hơn, nổi trội hơn để áp dụng với dự án này, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc chuyển giao công nghệ không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao làm chủ khai thác vận hành, mà phải bao gồm cả sản xuất lắp đặt các trang thiết bị. Phí chuyển giao công nghệ cần được xác định trong dự án.

Đồng thời, các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên doanh với nhà thầu trong nước, hoàn tất đàm phán chuyển giao công nghệ với các công ty trong nước và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu, nếu không sẽ bị loại trực tiếp khỏi đấu thầu.

“Thời gian xây dựng đường sắt cao tốc tại Nhật Bản khoảng 38-103km/năm, tại Pháp là 56-59km/năm, Đức là 28km/năm và Trung Quốc khoảng 150-180km/năm. Với đề xuất hiện nay, dự kiến 140-150km/năm đã tiệm cận với mức cao đã và đang triển khai tại Trung Quốc”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận.

Cùng thảo luận về dự án này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hết sức cần thiết, là nguyện vọng của đại đa số nhân dân, để phục vụ cho đời sống, giao thương.

Cho biết rất mong đợi dự án, nhưng khi tiếp cận tài liệu, đại biểu bày tỏ nhiều điều băn khoăn. Cụ thể như các ga hành khách nên ở nội đô, vì nếu ở ngoài nội đô sẽ tốn nhiều đường giao thông kết nối. Với nguồn vốn đầu tư lớn, sau khi làm, phải khai thác thế nào cho thật hiệu quả.

Đại biểu tin tưởng, với nhu cầu phát triển đường sắt nội đô của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thì ngành công nghiệp đường sắt sẽ phát triển, đem lại công ăn việc làm cho nhiều lao động...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dau-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-hien-nay-la-thoi-diem-thich-hop-180551.html
Zalo