Đầu tư công: Quyết liệt về đích (Kỳ 1)

Trong bối cảnh hơn nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 -2025 gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức vì đại dịch Covid-19 và môi trường bất định bên ngoài, đầu tư công đã phát huy khá tốt vai trò chủ đạo dẫn dắt, lan tỏa cũng như là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH. Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra theo Kế hoạch 5 năm 2021-2025, việc thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công trong các năm 2024 và 2025 tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống.

Thách thức lớn trong năm bứt phá

Mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, song nền kinh tế trong nước đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch COVID-19, khẳng định sự phục hồi rõ nét. Có cơ sở để tin tưởng nền kinh tế sẽ kết thúc năm 2024 với tăng trưởng GDP sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên đầu tư công cần phát huy cao nhất vai trò của mình.

Chỉ đạo sát sao nhưng chậm thực thi

Ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách đã được đặc biệt chú trọng với nhiều văn bản quan trọng được Quốc hội ban hành, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho quá trình thực hiện. Một số chính sách thí điểm cũng đã được triển khai, cùng với đó, các chỉ đạo và điều hành công tác giải ngân được thực hiện một cách quyết liệt, nhiều giải pháp kịp thời đưa ra đã giúp đảm bảo nguồn vốn được phân bổ đúng trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy đến hết tháng 8, giải ngân mới đạt 40,49% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ 2023 cả về tỷ lệ (cùng kỳ năm 2023 đạt 42,35%) và số tuyệt đối. Vì thế để giải ngân khối lượng lớn vốn còn lại từ nay đến cuối năm, với mục tiêu cả năm tối thiểu đạt trên 95% kế hoạch được giao, vẫn là một thách thức rất lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra, tình trạng giải ngân chậm đến từ nhiều nguyên nhân. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn, nhưng ở cấp bộ, ngành và địa phương, việc tổ chức triển khai vẫn còn nhiều ách tắc; Vai trò người đứng đầu tại một số bộ, ngành và địa phương chưa được phát huy đúng mức, vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, quản lý và thực thi nhiệm vụ; công tác lập kế hoạch và chuẩn bị thực hiện dự án còn nhiều hạn chế; năng lực của cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu… dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, mặc dù có nhiều cố gắng, có nhiều chỉ đạo nhưng quá trình và kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng, trong khi các biện pháp tài khóa, nhất là thực hiện hiệu quả giải ngân đầu tư công sẽ là những giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng năm nay.

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án

Bên cạnh đó, theo bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam, nguyên nhân của giải ngân đầu tư công chững lại so với cùng kỳ năm 2023 còn do chậm trễ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các dự án lớn; tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp (đá, cát…), giá nguyên vật liệu biến động; và những rào cản quy định và thủ tục phê duyệt kéo dài tiếp tục gây chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư công.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa sẽ cần những nỗ lực và hành động rất cụ thể. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân những tháng cuối năm; tăng cường kiểm tra, giám sát; duy trì hoạt động 6 Tổ công tác của Chính phủ, duy trì cơ chế hàng quý thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai.

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân.

Liên quan đến vấn đề GPMB, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đang dự kiến cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập (kèm theo các điều kiện để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước) đối với tất cả các nhóm dự án (quy định hiện hành chỉ cho phép tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A).

Các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định; xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc thi công các dự án. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng giao mỏ không đúng đối tượng làm nảy sinh hoạt động mua đi bán lại tăng giá vật liệu.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn...

Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn. Đẩy mạnh hoàn thành phân bổ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Kỳ 2: Mục tiêu cao cho hoài bão lớn

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dau-tu-cong-quyet-liet-ve-dich-ky-1-155956.html
Zalo