Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện Chương trình mới ở Kon Tum
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, các trường ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng việc thực hiện chương trình GDPT 2018.
Nâng cao năng lực cho học sinh
Bước vào năm học 2023-2024, trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông (THCS-THPT) Liên Việt Kon Tum (TP Kon Tum, Kon Tum) có tổng số 1.455 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, trong đó có 30 em dân tộc thiểu số.
Ông Lê Đắc Tường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đơn vị thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các khối lớp. Ngoài chương trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường tổ chức dạy nâng cao các môn văn hóa, như: Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn. Bên cạnh đó dạy tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài, dạy ngoại ngữ 2 (Hàn, Nhật), Toán song ngữ, hoạt động stem, các câu lạc bộ năng khiếu: thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… Đặc biệt, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm…. để nâng cao năng lực cho học sinh.
Tương tự, trường Tiểu học-Trung học cơ sở Sa Loong (TH-THCS) huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) có tổng số 1.148 học sinh với 38 lớp. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, cấp Tiểu học còn thiếu 2 phòng học và các phòng chức năng, như: Tin học, Âm nhạc, Ngoại ngữ và 62 máy vi tính để dạy học môn Tin học, 16 tivi màn hình lớn để thực hiện dạy học theo chương trình GDPT 2018. Để đảm bảo việc dạy học, nhà trường bố trí 1 phòng học tại phòng truyền thống đội và 1 phòng tại nhà đa năng (điểm trường cấp tiểu học tại thôn Giang Lố 1).
Còn cấp THCS trang thiết bị dạy học chưa được bổ sung và thiếu 7 tivi để dạy học theo chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, tại điểm trường cấp THCS (tại thôn Giang Lố 1) không có nước vào mùa khô, không đáp ứng được cho dạy học và sinh hoạt của học sinh và giáo viên, nhân viên nhà trường. Mặc dù 100% học sinh đã có vở viết, nhưng vẫn còn thiếu một số bộ SGK của chương trình GDPT 2018. Do đó, nhà trường cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, sẻ chia khó khăn để học sinh thuận lợi khi đến trường.
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, trường Tiểu học - Trung học cơ sở Sa Loong còn thiếu giáo viên. Cụ thể, toàn trường thiếu 11 giáo viên theo biên chế, nhà trường đã hợp đồng 9 người.
Trước một số khó khăn trong năm học mới, trường TH-THCS Sa Loong kiến nghị UBND huyện đầu tư kinh phí xây dựng 1 giếng khoan tại cấp THCS (thôn Giang Lố 1) để phục vụ dạy học và sinh hoạt của nhà trường. Bên cạnh đó, đánh giá hiện trạng 9/11 phòng học đã hư hỏng, xuống cấp và đầu tư xây dựng thêm 2 phòng học và 4 phòng bộ môn. Đồng thời tuyển dụng cho nhà trường 11 giáo viên để đảm bảo nhu cầu dạy học.
Bố trí giáo viên dạy liên trường
Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT huyện Đăk Hà (Kon Tum) có 40 đơn vị trường học, giảm 1 trường so với năm học 2022-2023. Với 742 lớp toàn huyện có 22.217 học sinh, trong đó mầm non 199 lớp với 5.899 trẻ, cấp Tiểu học 361 lớp với 9.487 em, cấp THCS 182 lớp với 6.831 học sinh.
Bước vào năm học mới, đội ngũ giáo viên dạy Tin học, ngoại ngữ, các môn nghệ thuật lớp 4, lớp 8 đã được tham gia tập huấn lớp bồi dưỡng do Sở GD&ĐT tổ chức theo đúng quy định.
Đối với môn Tin học địa phương còn thiếu 10 giáo viên, do đó, Phòng GD&ĐT phân công dạy liên trường để đảm bảo cho việc dạy lớp 3, 4. Còn môn Tiếng Anh hiện có 19 giáo viên, do đó các đơn vị ưu tiên bố trí thầy, cô dạy chương trình lớp 4 đảm bảo theo quy định. Riêng đối với một số đơn vị trường có dư số tiết Tiếng Anh Phòng GD&ĐT phân công giáo viên cấp THCS (chưa đủ số tiết theo quy định) trên cùng địa bàn xã để giảng dạy, đảm bảo việc thực hiện chương trình mới.
Năm học 2023-2024, huyện Đắk Hà đã đầu tư xây mới 3 nhà vệ sinh và 2 giếng khoan với kinh phí 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mua sắm trang bị vật chất cho các trường khoảng 2 tỷ đồng.
“Phòng học được sửa chữa, nâng cấp và xây mới, cơ bản đảm bảo việc dạy và học. Hiện đơn vị đang tiếp tục tham mưu để bổ sung thiết bị dạy học, đặc biệt là phòng Tin học, Tiếng Anh các lớp thực hiện chương trình GDPT 2018”, bà Lê Thị Nhung - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đắk Hà nói.