Đầu tư châu Âu vào Việt Nam: Chật vật giữa những điểm nghẽn hệ thống

Các rào cản hành chính làm suy giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khi khu vực đang chạy đua để thu hút đầu tư nước ngoài, theo EuroCham.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang và chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều áp lực rủi ro, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn ghi nhận rõ năng lực phục hồi của Việt Nam, duy trì niềm tin vững vàng vào Việt Nam.

Tuy nhiên, dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trong cải cách kinh tế vĩ mô, thực tế vận hành hàng ngày của nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ các thủ tục hành chính rườm rà, theo báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) mới nhất do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam công bố.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp, thủ tục hành chính rườm rà tiếp tục là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh, khi có tới 63% doanh nghiệp được hỏi xác nhận. Đây là một xu hướng nhất quán đã được ghi nhận suốt nhiều năm qua.

Theo EuroCham, tình trạng này phản ánh một điểm nghẽn mang tính hệ thống. Qua nhiều kỳ khảo sát BCI, hiệu quả hành chính thấp luôn nổi lên như một lực cản chính trong môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật thiếu nhất quán, quy trình hải quan còn phức tạp và sự không chắc chắn trong khuôn khổ pháp lý tiếp tục cản trở doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược dài hạn tại Việt Nam.

Những trở ngại hàng đầu với các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo BCI

Những trở ngại hàng đầu với các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo BCI

Trong số các rào cản hành chính hiện hữu, thủ tục xin giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tiếp tục là vấn đề nổi cộm, được 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát nêu rõ.

Bên cạnh đó, các quy định về phòng cháy chữa cháy, đăng ký đầu tư và doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, thuế, quy định thị thực và quyền sở hữu đất đai cũng là những thủ tục hành chính đang gây khó khăn trong thực tiễn triển khai.

Những vướng mắc chồng chéo này không chỉ kéo dài thời gian xử lý, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình ra quyết định đầu tư và hoạch định chiến lược dài hạn của doanh nghiệp.

“Các rào cản này làm suy giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh khu vực đang chạy đua để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao”, Chủ tịch EuroCham – ông Bruno Jaspaert nhận định.

Ông nhấn mạnh, tháo gỡ những điểm nghẽn này không chỉ dừng lại ở cải cách hành chính, mà cần hướng tới việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý minh bạch, một định hướng chính sách nhất quán và có thể dự đoán, cùng với sự phân công rõ ràng và trách nhiệm giải trình đầy đủ từ các cơ quan chức năng.

Việc triển khai số hóa thủ tục hành chính thông qua hệ thống VNeID dành cho doanh nghiệp là một bước tiến tích cực, hướng tới mô hình ‘một cửa’ hiệu quả cho cả nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giai đoạn chuyển giao công nghệ ban đầu đã ghi nhận một số vướng mắc kỹ thuật. Đơn cử, đối với khối doanh nghiệp FDI, các đại diện pháp lý nước ngoài chưa thể đăng ký tài khoản VNeID vì chưa có cơ chế phù hợp.

Thực tế này cho thấy tầm quan trọng của việc thử nghiệm kỹ lưỡng, tham vấn đầy đủ các bên liên quan và áp dụng lộ trình triển khai phù hợp, nhất là đối với các hệ thống số hóa quy mô toàn quốc.

Chỉ số BCI mới nhất đã một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho đầu tư châu Âu. Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển này, theo EuroCham, cần có một cam kết cải cách liên tục và thực chất, đồng thời phản hồi kịp thời đối với các kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp.

Theo chủ tịch EuroCham, “Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam biết rõ họ cần gì: thủ tục đơn giản hóa, quy định hài hòa, quy trình cấp giấy phép lao động thuận tiện hơn, hoàn thuế và thủ tục hải quan minh bạch, cũng như tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới”.

“Đây không chỉ là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp, mà là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và bền vững. Với các quy tắc rõ ràng hơn và cam kết cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành trung tâm đầu tư chiến lược của khu vực”, ông Bruno nhấn mạnh.

Tâm lý thận trọng

Những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam đang từng bước củng cố nền tảng niềm tin cho nhà đầu tư. Rõ ràng, niềm tin dài hạn đang được nâng cao khi gần 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ cải thiện trong vòng năm năm tới, tăng so với kỳ khảo sát trước.

Mức tăng này cho thấy sự tin tưởng bền bỉ vào triển vọng tăng trưởng có cấu trúc của Việt Nam, ngay cả khi bối cảnh ngắn hạn vẫn còn nhiều bất định.

Khi các cải cách tiếp tục được triển khai, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam duy trì sự kỳ vọng tích cực – nhưng với một cái nhìn thực tế.

Dữ liệu BCI mới nhất cho thấy sự lạc quan đang ở mức chừng mực hơn, phản ánh một giai đoạn "tạm dừng chiến lược" giữa bối cảnh kinh tế đang chuyển mình nhanh chóng.

Ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, đơn vị thực hiện báo cáo, cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng vào sự ổn định kinh tế trong quý III/2025 đã giảm nhẹ xuống còn 50%, giảm 8 điểm phần trăm so với quý trước.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, sự điều chỉnh này không đồng nghĩa với xu hướng bi quan gia tăng. Thay vào đó, sự thay đổi phản ánh kỳ vọng thận trọng của doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế phức tạp và biến động khó lường.

Phần lớn doanh nghiệp không dự đoán tình hình sẽ xấu đi và chỉ 11% dự báo triển vọng ảm đạm, cho thấy đây là một giai đoạn tạm dừng để quan sát.

Tâm lý chờ đợi và quan sát cũng được thể hiện rõ qua dữ liệu khảo sát khi gần 40% doanh nghiệp giữ quan điểm trung lập trong ngắn hạn, trong khi 43% đánh giá triển vọng kinh doanh là “tốt” hoặc “xuất sắc”.

Dù môi trường kinh doanh vẫn tồn tại những bất ổn, khả năng phục hồi tiếp tục là điểm sáng. Tăng trưởng kinh tế ổn định, lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đang mở rộng, tiếp tục củng cố niềm tin vào sức hút dài hạn của Việt Nam.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dau-tu-chau-au-vao-viet-nam-chat-vat-giua-nhung-diem-nghen-he-thong-d40930.html
Zalo