Đấu tranh, ngăn chặn tội phạm hủy hoại rừng

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, khởi tố nhiều vụ việc hủy hoại rừng, song một số người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cố tình phá rừng với mục đích mở rộng đất sản xuất. Hành vi này không chỉ làm mất đi nhiều diện tích rừng phòng hộ quý giá, mà còn để lại hậu quả nặng nề về môi trường và sinh kế lâu dài của cộng đồng.

Liên tục xảy ra các vụ phá rừng

Tháng 9/2024, Vàng Chí Thanh, sinh năm 1988, trú tại bản Hua Pư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, đã phá rừng để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Từ ngày 20 đến ngày 24/9/2024, Vàng Chí Thanh sử dụng 1 chiếc cưa máy cầm tay và dao quắm chặt hạ, phát quang toàn bộ các cây gỗ, cây bụi tại khu rừng phòng hộ giao cho cộng đồng bản Hua Pư quản lý bảo vệ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La chủ trì phối hợp tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác định, diện tích rừng bị chặt phá là 5.407 m2, với 120 cây gỗ bị chặt, tổng khối lượng là 10,455 m3 gỗ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành các quyết định tố tụng đối với Vàng Chí Thanh. Ảnh Công an cung cấp

Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành các quyết định tố tụng đối với Vàng Chí Thanh. Ảnh Công an cung cấp

Cũng trong tháng 9/2024, Giàng A Giống, sinh năm 1994, trú tại bản La Va, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn đã dùng cưa máy cầm tay đốn hạ hơn 10 cây gỗ tại khu rừng do cộng đồng bản La Va quản lý bảo vệ, xẻ gỗ để làm nhà ở. Ông Giàng A Hạng, bố đẻ của Giống cũng tham gia chặt phá, phát quang toàn bộ diện tích rừng quanh khu vực Giống phá rừng để làm khu nuôi gà. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp khám nghiệm hiện trường, qua đó xác định diện tích rừng bị chặt phá là 5.671 m2, số cây gỗ bị chặt là 114 cây, tổng khối lượng là 5,347 m3 gỗ cây và 1,931 m3 gỗ xẻ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành các quyết định tố tụng đối với Giàng A Hạng. Ảnh Công an cung cấp.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành các quyết định tố tụng đối với Giàng A Hạng. Ảnh Công an cung cấp.

Đến nay, 2 vụ việc trên đã được Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh khởi tố vụ án, điều tra theo quy định. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ hủy hoại rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh đều bắt nguồn từ nhận thức pháp luật hạn chế và đời sống kinh tế khó khăn của một bộ phận người dân do thiếu đất canh tác. Họ coi rừng là “của chung”, không ai bảo vệ, và cũng không ý thức được hành vi đó là vi phạm pháp luật hình sự. Điều đáng lo ngại hơn, một số đối tượng là cán bộ lợi dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Tăng cường đấu tranh, xử lý

Phòng Cảnh sát Kinh tế họp triển khai nhiệm vụ.

Phòng Cảnh sát Kinh tế họp triển khai nhiệm vụ.

Đại tá Nguyễn Tiến Mạnh, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh, thông tin: Chúng tôi coi việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi hủy hoại rừng không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm với nhân dân, với thế hệ tương lai, bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống. Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tập trung điều tra, khởi tố các vụ án nghiêm trọng, xử lý hình sự những cá nhân, tổ chức hoạt động hủy hoại rừng. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã khởi tố 3 vụ, 3 bị can vụ án liên quan đến hủy hoại rừng; đang tiếp tục giải quyết 3 vụ việc, tin báo.

Việc điều tra tội phạm hủy hoại rừng gặp không ít trở ngại, nhất là khi ranh giới pháp lý giữa đất rừng - đất sản xuất - đất dự án ở nhiều nơi còn chưa rõ ràng, tạo khe hở cho tội phạm lợi dụng. Ngoài ra, việc xác định thiệt hại rừng để đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự cũng là bài toán khó. Phải có cơ quan chuyên môn vào đo đạc, giám định, định giá tài nguyên rừng. Trong khi đó, nhiều vụ việc xảy ra tại khu vực rừng sâu, vùng núi hiểm trở, lực lượng chức năng phải mất nhiều ngày mới tiếp cận được hiện trường.

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ; phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm, UBND và Hạt kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, tuyên truyền tại các xã giáp ranh rừng; vận động đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp tay cho phá rừng; tăng cường điều tra, xử lý, kiên quyết khởi tố hình sự nếu đủ yếu tố, tạo tính răn đe.

Thực tế hiện nay, quản lý Nhà nước về rừng vẫn còn những lỗ hổng. Việc phân cấp trách nhiệm bảo vệ rừng cho cấp xã, chủ rừng còn thiếu sự giám sát chặt chẽ. Một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng "khoán trắng" cho cộng đồng, dẫn đến buông lỏng quản lý; một số chủ rừng chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

Đáng lo ngại hơn khi có những trường hợp cán bộ cấp cơ sở hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ lợi dụng kẽ hở trong công tác kiểm tra, giám sát để bao che, tiếp tay cho các hành vi phá rừng, hoặc thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý. Chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp ở một số trường hợp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuyên truyền bảo vệ rừng cho nhân dân xã Ngọc Chiến.

Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuyên truyền bảo vệ rừng cho nhân dân xã Ngọc Chiến.

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ việc vi phạm, nhất là tội hủy hoại rừng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung. Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo cácđơn vị trực thuộc, kiểm lâm địa bàn bám rừng để bảo vệ rừng tận gốc, thường xuyên tổ chức thực hiện các biện pháp tuần tra, kiểm tra, rà soát, xác định các khu vực trọng điểm hay xảy ra phá rừng trái pháp luật để xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn, không để xảy ra điểm nóng, tạo bức xúc dư luận.

Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm lâm gắn việc tuyên truyền pháp luật với quyền lợi người dân, nhất là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm nghĩa vụ bảo vệ rừng trên diện tích rừng được giao theo quy định của Luật Lâm nghiệp; kiên quyết xử lý trách nhiệm của chủ rừng buông lỏng quản lý để xảy ra mất rừng mà không kịp thời phát hiện ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cập nhật diễn biến rừng, nhằm phát hiện sớm về phá rừng trái pháp luật, như sử dụng máy tính bảng phần mềm theo dõi diễn biến rừng, chuyển đổi số trong theo dõi điểm biến động để xác định vị trí vi phạm về phá rừng.

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân bản Ít, xã Ngọc Chiến.

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân bản Ít, xã Ngọc Chiến.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tăng sinh kế cho người dân bằng lựa chọn các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất, giảm nhu cầu mở rộng canh tác và tác động vào rừng; chuyển đổi nghề, thu hút lao động chuyển sang ngành nghề dịch vụ, công nghiệp tại các tỉnh đồng bằng tạo việc làm thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, nhất là lao động nông thôn miền núi gắn với đào tạo các nghề dễ tiếp cận với lao động phổ thông, đáp ứng nhu cầu tuyền dụng việc làm.

Hủy hoại rừng không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là tội ác với thiên nhiên và thế hệ mai sau. Trong cuộc chiến giữ rừng hôm nay, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, sự chủ động của chính quyền địa phương, cùng với ý thức bảo vệ rừng của mỗi người dân… chính là “tấm khiên” vững chắc nhất để ngăn chặn tội phạm hủy hoại rừng.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/an-ninh-trat-tu/dau-tranh-ngan-chan-toi-pham-huy-hoai-rung-ajqTKWJNg.html
Zalo