Đầu tháng 4, tham quan hai triển lãm của họa sĩ Phan Sang và nhóm nghệ sĩ trẻ

Từ 3-6.4.2023, triển lãm Dưới làn da ấy, Bạn là ai diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) và từ ngày 1.4 đến 2.5.2023, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ diễn ra triển lãm Những người làm vườn của các họa sĩ trẻ tài năng đến từ Câu lạc bộ Nghệ sĩ Trẻ.

Tâm hồn, tính cách, cảm xúc... qua nét vẽ của họa sĩ Phan Sang

Dưới làn da ấy, Bạn là ai là triển lãm cá nhân của họa sĩ Phan Sang. Là một trong những nghệ sĩ đương đại mới nổi thú vị nhất của Việt Nam, Phan Sang đã phát minh ra một ngôn ngữ hình ảnh tràn đầy năng lượng, trong đó các bức tranh trở nên sống động với sự bùng nổ của màu sắc.

Sử dụng nét vẽ biểu cảm với những nét đậm, nét dày trên chất liệu acrylic và sơn dầu rực rỡ, họa sĩ miêu tả bản chất đa chiều của cuộc sống một cách nổi bật, dường như rất ngẫu hứng.

Họa sĩ Phan Sang (giữa) tại triển lãm.

Họa sĩ Phan Sang (giữa) tại triển lãm.

Trong triển lãm lần này, Phan Sang đã bị cuốn hút bởi câu hỏi này: Dưới làn da ấy bạn là ai? Đây không phải là một câu hỏi dễ, nhưng nó là một câu hỏi đáng để hỏi. Họa sĩ cho biết: “Tôi tự hỏi bản thân điều này mỗi ngày và tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tôi tìm ra câu trả lời. Đối với tôi, câu trả lời không chỉ đơn giản là tên của tôi là gì và tôi đến từ đâu, mà nó còn có một tâm hồn sâu tận bên trong. Và tâm hồn chúng ta thì luôn rất phức tạp và biến hóa.

Chúng ta thường nghe nói đến việc vẽ ‘chân dung’. Hầu hết chúng ta chả bao giờ nghĩ đến việc nhờ họa sỹ nào đó vẽ ‘tâm hồn’. Và đó là tất cả những gì tạo nên con người của chúng ta - cảm xúc, suy nghĩ, nỗi sợ hãi và những niềm khao khát”.

Từ ngàn đời xưa, vua chúa hay các gia đình quyền quý đã đặt vẽ những bức chân dung, thể hiện quyền quý cao sang bằng cách khoác lên mình thật nhiều lụa là gấm vóc và trang sức xa hoa. Về sau, các bức chân dung hầu hết đều mô tả gương mặt và thần thái của một nhân vật tại một khoảnh khắc, thời gian nào đó, hoặc vẽ lại từ một tấm ảnh chụp mô tả các đường nét trên khuôn mặt.

Nhưng đó không phải những gì mà Phan Sang muốn hướng đến. Anh chia sẻ: “Tôi rất ít khi vẽ chân dung tả thực một gương mặt ai đó. Thay vì gương mặt hay biểu cảm bên ngoài, tôi quan tâm nhiều hơn đến con người bên trong của bạn. Bởi nó là duy nhất và không thể bị dán nhãn bởi bất kỳ ai. Tương tự như việc, nếu bạn không kết nối được với chính con người thật của mình, nếu bạn phải sống cuộc đời của mình nhưng cho người khác. Nếu những nét vẽ chỉ đơn giản phác họa hình hài bên ngoài của bạn, có thể na ná với rất nhiều người ngoài kia, thì bạn sẽ là ai dưới làn da ấy?”

Một số tác phẩm tại triển lãm của họa sĩ Phan Sang - kích thước 70x80 chất liệu Acrylic trên toan.

Một số tác phẩm tại triển lãm của họa sĩ Phan Sang - kích thước 70x80 chất liệu Acrylic trên toan.

Với sở thích vẽ tâm hồn, tính cách, những cảm xúc gắn liền với những câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời, được thể hiện thường bắt gặp trên gương mặt con người. Họa sĩ sử dụng màu sắc tương phản với tính cách của bạn để đại diện cho các sáng tác của mình. Chính vì thế, anh đã lặng lẽ vẽ rất nhiều tác phẩm về những người thân quen với nguồn cảm hứng từ sự quý mến tính cách của họ và qua những quan sát của anh trong nhiều thời điểm.

Đến với triển lãm, qua mỗi bức tranh, mỗi sắc màu, công chúng sẽ cảm nhận được đây như là một bước trong hành trình khám phá mình là ai. Những góc khuất sẽ được lột tả qua ngôn ngữ đầy diệu kỳ của màu sắc. Mỗi chúng ta là những câu chuyện khác nhau, tính cách, cuộc sống, nơi sinh ra và trưởng thành, và chúng ta chỉ bị thu hút bởi con người bên trong của người đối diện, và cảm nhận họ là ai dưới làn da ấy.

Khám phá khu vườn sáng tạo của các họa sĩ trẻ

Trong khi đó, triển lãm Những người làm vườn của hơn 90 nghệ sĩ trẻ tài năng từ khắp mọi miền đất nước đã diễn ra tại VCCA, với gần 100 tác phẩm đặc sắc, đa dạng hình thức từ hội họa, đồ họa, điêu khắc tới sắp đặt và video art.

Không gian triển lãm Những người làm vườn diễn ra tại VCCA.

Không gian triển lãm Những người làm vườn diễn ra tại VCCA.

Hành trình tìm tòi, sáng tác và lao động nghệ thuật đôi khi vô cùng gần gũi với quá trình lao động của những người làm vườn, đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, tĩnh tại và thái độ an nhiên hài hòa với những dòng chảy của thiên nhiên và đất trời.

Đôi khi, người nghệ sĩ chưa tìm thấy cái mình muốn trong nghệ thuật mà chính quá trình lao động nghệ thuật lại dẫn dắt họ tới những giá trị sáng tạo và thành công mà họ không tìm kiếm. Những lời ca đậm chất thơ, uyên bác đầy triết lý của Tagore đã đem đến nguồn cảm hứng cho những sáng tác mới nhất được thực hiện của các tác giả trẻ.

Với chủ đề mở và không giới hạn về chất liệu, các nghệ sĩ khai thác muôn vàn chiều không gian và thời gian, từ những hình ảnh đời thường trong tác phẩm Nguồn của Nhữ Đình Cương, tới những sự chuyển dịch không ngừng, những nối tiếp thế hệ trở nên hữu hình trong Trí tuệ của Bạch Nguyễn Tuấn Trung, hay những ẩn dụ sâu sắc thâm trầm như Trước, trong, sau và mãi mãi của Cao Thục.

Tác phẩm Cuộc sống hằng ngày của Nghệ sĩ Vàng Hải Hưng.

Tác phẩm Những người bơi trên sông của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Đạt.

Tác phẩm New vitality - Sức sống mới của các nghệ sĩ Dương Đức Duy, Nguyễn Đăng Nam, Nguyễn Thị Hải An.

Họa sĩ trẻ Tuấn Việt cho biết, anh mang đến triển lãm hai tác phẩm Khát vọngMột nhịp ký ức. Tác phẩm thể hiện sự thèm khát hiện thực của họa sĩ trong xã hội hiện tại.

Nhân vật biểu đạt người họa sĩ cùng chiếc bụng đang ngấu nghiến những tư liệu hiện thực, tay cầm bút như dĩa và bức tranh tĩnh vật trên toan trên giá vẽ như đĩa đồ ăn.

Triển lãm Những người làm vườn đã mở ra một sân chơi sáng tạo - nơi mỗi cá nhân các nghệ sĩ sẽ góp phần thể hiện chính mình, đối diện với những hiện thực bình dị hàng ngày và lao động sáng tạo để tìm thấy những giá trị tốt đẹp trong những điều tưởng chừng đơn giản nhất.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định: “Đây là triển lãm mà chúng ta có thể thấy rõ hơn khuynh hướng sáng tác của các bạn nghệ sĩ trẻ và họ tự tin, sẵn sàng chấp nhận các thách thức mới của nghệ thuật, có thể là một cách vẽ cực thực, có thể là trừu tượng, có thể là siêu thực hay là câu chuyện nghệ thuật ý niệm có sự hỗ trợ của công nghệ để đi được xa trên con đường sáng tạo. Và chúng ta có thể tin cậy, hy vọng vào một trang mới của nền mỹ thuật Việt Nam”.

Một số họa sĩ tại triển lãm Những người làm vườn.

Song song cùng với triển lãm, Câu lạc bộ Nghệ sĩ Trẻ sẽ tổ chức các sự kiện nghệ thuật cùng với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ “góp tranh” trong triển lãm.

Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dau-thang-4-tham-quan-hai-trien-lam-cua-hoa-si-phan-sang-va-nhom-nghe-si-tre-39019.html
Zalo