'Đầu tàu' trong đột phá phát triển khoa học công nghệ
Doanh nghiệp chính là 'đầu tàu', là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW diễn ra đầu tuần này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW được xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá. Bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, R&D, lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo… Nghiên cứu cơ chế cho mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Thủ tướng cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Thủ tướng khẳng định, trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là “đầu tàu”, là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhận thức rõ vai trò then chốt này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách “mở đường” cho doanh nghiệp. Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước; thúc đẩy phát triển một số khu công nghiệp công nghệ số và công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Có thể nói, Nghị quyết số 57-NQ/TW là lời hiệu triệu của đất nước để các doanh nghiệp cùng chung sức thực hiện khát vọng cường thịnh, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp đột phá, phát triển lên tầm cao mới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ khoa học, công nghệ để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: vừa làm chủ tiến trình, công nghệ chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, nếu thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, kinh phí cho nghiên cứu phát triển R&D đạt 2% GDP, xấp xỉ 9 tỷ USD/năm, sẽ là nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
Đặc biệt, Nghị quyết có những quan điểm bắt kịp xu thế phát triển của thế giới về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số như: coi dữ liệu là nguồn tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất; được sử dụng ngân sách thuê chuyên gia, mua công nghệ mới; có cơ chế thử nghiệm các công nghệ mới...
Theo ông Thắng, việc có cơ chế cho thí điểm thử nghiệm công nghệ mới là chủ trương đột phá cho phép các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có rủi ro thiệt hại về kinh tế do các nguyên nhân khách quan. Viettel có cơ sở, điều kiện triển khai các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng.
Còn ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhấn mạnh, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, MobiFone đang đứng trước cơ hội lớn để đóng góp công sức, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường.
Chủ tịch MobiFone cho biết, doanh nghiệp đã và đang xác định các đột phá trong tư duy, xây dựng các giải pháp, sản phẩm và triển khai kinh doanh, tạo nên sự khác biệt trong thị trường viễn thông và công nghệ số. Theo đó, MobiFone sẽ tiếp tục phát triển các nền tảng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây và các công nghệ mới như 5G, bảo mật mạng và dữ liệu; đồng thời, thực hiện các chương trình phát triển nhân lực, nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong nội bộ, đáp ứng yêu cầu công cuộc chuyển đổi số quốc gia.