Đau quai hàm khi ngủ dậy có phải dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim?
Nghe có vẻ lạ nhưng đau hàm có thể là triệu chứng duy nhất của cơn đau tim, theo WebMD. Tuy vậy có nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng đau quai hàm khi ngủ dậy.

Một số nguyên nhân gây đau quai hàm khi ngủ dậy có thể được điều trị tại nhà, tuy nhiên một số nguyên nhân khác lại cần phải được can thiệp điều trị y tế càng sớm càng tốt.
Nếu sáng ngủ dậy bị đau quai hàm, hãy chú ý tới các triệu chứng của cơn đau và dấu hiệu kèm theo để nhanh chóng thăm khám bác sĩ khi cần thiết.
1. Đau quai hàm khi ngủ dậy là bệnh gì?
Cơn đau quai hàm được mô tả là cảm giác đau nhức hoặc đau âm ỉ xảy ra xung quanh vùng quai hàm. Đôi khi cơn đau lan rộng tới cả vùng mặt, tai, lên đầu. Đau quai hàm có thể kèm theo cứng hàm khiến việc nhai nuốt, thậm chí nói chuyện gặp khó khăn do chuyển động há miệng - đóng miệng khó khăn hơn.
Theo Healthline, dưới đây là những lý do cho thấy tại sao một người sáng ngủ dậy bị đau quai hàm mà bạn có thể tham khảo, lưu ý rằng những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ. Điều quan trọng là chú ý tới các dấu hiệu sức khỏe bất thường khác của cơ thể và cơn đau liên quan tới cơn đau quai hàm.

Đau quai hàm khi ngủ dậy là bệnh gì? Ảnh: ST
- Nghiến răng:Một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau quai hàm khi ngủ dậy là do tật nghiến răng khi ngủ. Nghiến răng được hiểu là hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi việc siết chặt/nghiến chặt răng hoặc bởi sự giằng/đẩy cửa hàm dưới. Khi một người nghiến răng sẽ tạo ra âm thanh ken két. Theo thời gian, khớp cắn có thể bị ảnh hưởng, gây đau khớp thái dương hàm.
- Sâu răng hoặc bệnh nha chu (viêm nướu răng): Sâu răng là những vùng bị tổn thương vĩnh viễn trên bề mặt men răng, phát triển thành những lỗ nhỏ li ti trên răng. Sau đó phát triển những lỗ sâu răng lớn có thể phá vỡ men răng, thậm chí phá hủy ngà răng, tủy răng gây áp xe răng dẫn tới những cơn đau nhức dữ dội, đau nhói lan vào hàm. Tương tự, bệnh nướu răng cũng có thể là nguyên nhân gây đau quai hàm do nướu bị vi khuẩn tấn công gây viêm lan xuống xương và các mô khác lân cận. Cả sâu răng và bệnh nha chu đều có thể gây đau quai hàm khi ngủ dậy hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
- Viêm xoang hàm: Xoang hàm một khi bị tắc nghẽn và chứa đầy dịch có thể tạo áp lực lên răng và xương hàm dẫn tới đau nhức khó chịu. Các dấu hiệu viêm xoang hàm khác bao gồm: Nhức đầu, đau mặt, đau lan tỏa tới hốc mắt và hai bên thái dương, chảy nước mũi (có thể có mùi hôi, lẫn mủ) với những cơn đau thường xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng và buổi trưa. Đặc biệt, cơn đau sẽ trở nên dữ dội khi bệnh nhân viêm xoang hàm cúi đầu, gập người hoặc vận động mạnh.

Xoang hàm một khi bị tắc nghẽn và chứa đầy dịch có thể tạo áp lực lên răng và xương hàm dẫn tới đau nhức khó chịu (Ảnh: ST)
- Tư thế ngủ:Nếu bị cứng cổ khi ngủ dậy thì tư thế ngủ có vẻ là một vấn đề cần được điều chỉnh sớm. Chẳng hạn, nếu thường xuyên nằm ngủ ở tư thế ngủ sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ, bạn có thể vô tình đẩy quai hàm ra khỏi vị trí tự nhiên vốn có của nó và gây áp lực lên hàm. Kết quả là bị đau quai hàm khi ngủ dậy.
- Rối loạn khớp thái dương hàm: Là tình trạng đau ở cơ nhai hoặc khớp hàm. Bên cạnh cảm giác khó chịu ở tai, người bị rối loạn khớp thái dương hàm có thể bị đau tai ù tai, mất thính lực, cứng hàm và khó cử động hàm, phát ra tiếng kêu lục cục hoặc lách cách từ hàm.
- Đau răng khôn: Răng khôn là răng cuối cùng của mỗi bên hàm, hay còn gọi là răng số 8, răng này mọc sau cùng khi con người đã trưởng thành. Mọc răng khôn, răng khôn mọc lệch cũng có thể là nguyên nhân gây đau hàm, bao gồm cả đau quai hàm khi ngủ dậy hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Cơn đau răng khôn lan tỏa thường xảy ra ở má, hàm, răng và có thể lan lên đầu, cổ. Cơn đau có thể dao động từ đau âm ỉ đến đau nhói kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
- Đau dây thần kinh sinh ba: Một nguyên nhân gây đau quai hàm khi ngủ dậy khác là do đau dây thần kinh sinh ba. Cơn đau bắt đầu bằng những cơn đau ngắn, nhẹ rồi tăng dần theo thời gian. Đau đớn bắt đầu ở một bên mặt rồi lan dọc theo xương gò má, mũi, môi trên, các răng trên và/hoặc lan xuống phần dưới của xương gò má, môi và xương hàm dưới được mô tả giống như bị điện giật hoặc bị vật nhọn đâm vào mặt.
- Chấn thương: Bất kỳ một chấn thương nào tại hàm đều có thể gây ra tình trạng sáng ngủ dậy bị đau quai hàm.

Bất kỳ một chấn thương nào tại hàm đều có thể gây ra tình trạng sáng ngủ dậy bị đau quai hàm (Ảnh: ST)
- Đau tim: Nghe có vẻ lạ, nhưng đôi khi đau hàm có thể báo hiệu cơn đau tim. Cơn đau bắt đầu gần một nhóm dây thần kinh, như tim, có thể được cảm nhận ở một nơi khác trên cơ thể. Đây được gọi là cơn đau xuất chiếu (referred pain). Đối với một số người, đau hàm có thể là triệu chứng duy nhất của cơn đau tim. Cơn đau xuất chiếu ở hàm cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề về khớp, chẳng hạn như ở vai hoặc lưng.
Các dấu hiệu đau tim khác: Đau tức ngực đột ngột tựa như bị chèn ép, lú lẫn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, đánh trống ngực, buồn nôn, đau lan từ ngực ra sau lưng, cổ và cánh tay, thở hụt hơi.
- Đau nửa đầu: Cơn đau đầu dữ dội kèm theo nhạy cảm với ánh sáng có thể đau lan tỏa xuống mặt, hàm thường xảy ra vào đêm hoặc sáng sớm khi ngủ dậy với mức độ cơn đau từ trung bình tới nặng.
2. Cách giảm đau quai hàm tại nhà
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau quai hàm là bệnh gì mà điều trị sẽ có khác biệt. Trong lúc đó bạn có thể tự giảm đau hàm tại nhà bằng một số biện pháp như:
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Chườm lạnh với các cơn đau nhói (từ 10 đến 20 phút mỗi lần, 3 hoặc 4 lần một ngày) còn chườm nóng với các cơn đau âm ỉ, đau từng cơn ở hàm.
- Massage nhẹ nhàng vùng hàm bị đau bằng cách đóng miệng, há miệng rồi dùng tay xoa bóp quay vùng thái dương hàm cho đến khi các cử động hàm bớt căng cứng, nhẹ nhàng hơn. Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt mà không có theo dõi của thầy thuốc.
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm nhẹ tình trạng bị đau quai hàm. Cần sử dụng theo liều lượng của nhà sản xuất.
3. Khi nào đau quai hàm khi ngủ dậy cần thăm khám bác sĩ?
Nhìn chung, có thể thấy tình trạng sáng ngủ dậy bị đau quai hàm có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Đau quai hàm có thể là tạm thời, chẳng hạn khi tình trạng viêm xoang, chấn thương,... thuyên giảm thì cơn đau quai hàm cũng sẽ biến mất; hay như thay đổi tư thế ngủ đúng.
Nhưng hãy thăm khám bác sĩ nếu cơn đau hàm không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí nghiêm trọng hơn ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tại nhà. Đặc biệt nếu cơn đau quai kèm theo các triệu chứng đột ngột như đau cánh tay hoặc đau lưng, đau cổ, mệt mỏi bất thường, cảm thấy mình sắp ngất đi hoặc buồn nôn/nôn mửa, vã mồ hôi hoặc cảm thấy lạnh và ngột ngạt, mệt xỉu hoặc khó thở, ho kèm theo thở khò khè, sưng phù chi dưới, tim đập nhanh hoặc đập không đều thì cần nhanh tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp - bởi đây có thể là các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng.
Nguồn: Healthline, WebMD