Đầu năm đi 'hối lộ' thánh thần

Tháng giêng - tháng của lễ hội. Dù đã bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán, song rất nhiều người vẫn chưa sẵn sàng cho công việc. Bởi, nhiều lễ hội, đền chùa đang đợi họ. Nào đền Mẫu Sòng Sơn, đền Cô Chín (thị xã Bỉm Sơn), đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), đền Cửa Đạt (Thường Xuân); thậm chí ngược ra Bắc đến đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai), ngược vào miền Trung đến đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An)...

Người dân đi lễ đầu năm tại đền Cô Chín (thị xã Bỉm Sơn).

Người dân đi lễ đầu năm tại đền Cô Chín (thị xã Bỉm Sơn).

“Chạy sô” đi lễ

Từ hôm mùng 2 tết đến nay, chị Nguyễn Thị Mai (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa), luôn... bận rộn với việc đi lễ. Dù biết rõ tình trạng đông đúc, ùn tắc tại nhiều nơi, chị Mai vẫn quả quyết “đông cũng phải đi” thì cả năm gia đình mới ấm êm, kinh doanh phát đạt. Chi phí cho mỗi chuyến đi lễ dao động vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy lịch trình di chuyển và quy mô, tính chất của đồ lễ.

Chuyến xuất hành đầu tiên trong năm mới của chị là đến chùa Hương (Hà Nội), tiếp đó là đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai), đền mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn), chùa Yên Tử (Quảng Ninh), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An)... Theo kế hoạch của chị, đúng đêm 14 tháng giêng phải có mặt ở đền Trần (Nam Định) xin ấn. "Mỗi nơi thiêng một kiểu. Nếu muốn kêu cầu nhiều thứ phải đi hết", chị khẳng định.

Ngoài đi tự túc, nhiều người lớn tuổi, rảnh rỗi cũng theo các thầy cúng đi lễ. Bà Lê Thị Yên, 58 tuổi, hiện đang ở cùng con cái ở TP Thanh Hóa là người sùng bái thần, phật nhưng không biết kêu cầu, lễ bái bài bản. Theo bà Yên, việc đi theo tổ chức rất thuận tiện khi con nhang đệ tử không phải lo việc đặt xe, sắm sửa đồ lễ, viết sớ hay kêu cầu sao cho đúng bởi có thầy làm giúp. Chi phí các chuyến đi có kèm ăn uống, đồ cúng lễ và tiền xe dao động vài trăm ngàn đồng đến một triệu đồng/ngày.

Đi lễ đầu năm trở thành thói quen của nhiều người Việt Nam.

Đi lễ đầu năm trở thành thói quen của nhiều người Việt Nam.

Không chỉ cá nhân mà các tổ chức cơ quan cũng tranh thủ những ngày đầu xuân năm mới đi “cầu tài, cầu lộc”. Sau buổi khai xuân tại chi nhánh ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), anh Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ ngân hàng 35 tuổi cùng đồng nghiệp đi một loạt các đền, chùa trong tỉnh. Điểm dừng chân đầu tiên của họ là đền Mẫu Sòng Sơn và đền Cô Chín ở thị xã Bỉm Sơn. Theo anh Nghĩa, đi lễ chùa không đơn thuần là đi lễ đầu năm cầu mong điều tốt lành, mà đã thành văn hóa doanh nghiệp, là sự kiện tăng cường gắn kết nhân viên với cơ quan. Vì thế, cũng như các hoạt động tập thể khác của cơ quan việc này thu hút đông đảo nhân viên tham gia.

Du xuân an và lành

Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Trong đó, theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa có khoảng gần 300 lễ hội. Khảo sát từ phóng viên, từ trưa mùng 6 tết tại các đền Mẫu Sòng Sơn, đền Cô Chín (thị xã Bỉm Sơn), đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), đền Cửa Đạt (Thường Xuân)... hàng nghìn người đến lễ bái đầu năm. Một vài nơi đã xảy ra tình trạng ùn tắc, đỗ xe không đúng nơi quy định buộc lực lượng chức năng phải điều phối phân luồng.

Chia sẻ về câu chuyện đi lễ đầu năm, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết, người Việt xưa đi du xuân trong tâm thế hoan hỉ, tận hưởng không khí mùa xuân ấm áp, nhìn ngắm vạn vật nảy nở, sinh sôi. Đi lễ đầu năm mới không chỉ để ước nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là thời gian để tìm về chốn tâm linh, hiểu thêm về văn hóa truyền thống. Hiện chưa có thống kê nào ghi nhận số người thường xuyên đi lễ đầu năm mới nhưng phải thừa nhận rằng, trong dòng người đến đền, đến chùa thì số người thực sự đi vãn cảnh, du xuân như một nét đẹp văn hóa, làm phong phú thêm đời sống tinh thần là phần nhiều nhưng người đi cầu tiền tài, chức tước cũng không ít. Không ai bảo những người đi cầu tiền tài, chức tước là không chính đáng. Nhưng soi xét cho tận gốc rễ của vấn đề thì phải chăng, các vị thần thánh, anh hùng dân tộc đang bị biến thành “thế lực” để phù hộ cho nhu cầu cá nhân.

Những lời xin cầu được gửi vào cánh sớ dâng lên các vị thánh thần.

Những lời xin cầu được gửi vào cánh sớ dâng lên các vị thánh thần.

Về cơ bản phong tục lễ đền, chùa đầu năm là tốt, để tạo tâm lý thoải mái, an yên cho mỗi người, mỗi nhà nhưng việc liên tục đi lễ có thể gây tác động xấu đến cuộc sống, công việc như thiệt hại về kinh tế khi phải chi nhiều tiền cho việc di chuyển, mua đồ cúng; sao nhãng công việc; gia đình lục đục; gây ra hiện tượng ùn tắc giao thông, xả rác bừa bãi. Đặc biệt, việc a dua mù quáng, chạy theo phong trào còn có thể bị nhiều đối tượng xấu lợi dụng, hòng chuộc lợi. Vì thế, để hạn chế những mặt tiêu cực, ông Trung gợi ý cá nhân, tổ chức nên sắp xếp các chuyến du lịch tâm linh trong thời gian phù hợp, tránh ùn tắc. Bản thân người đi lễ cũng nên chọn lọc, tránh hùa theo số đông. "Đi lễ là tốt nhưng cũng cần hiểu Phật tại tâm. Mỗi người nên tu tâm tích đức, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm làm mới bản thân, chứ không phải chỉ trông chờ vào thần linh để mong kết quả tốt đẹp", ông nói.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dau-nam-di-hoi-lo-thanh-than-35394.htm
Zalo