Dấu mốc đáng nhớ của ngành du lịch
Năm 2024, Cao Bằng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với khách nội địa lẫn khách quốc tế. Những dấu ấn ngành du lịch đạt được trong năm đã đưa du lịch trở thành điểm sáng trong tổng thể các ngành kinh tế của tỉnh.
Năm 2024, Cao Bằng lần đầu tiên lọt Top 10 danh sách những điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do Booking.com, một chuyên trang về đặt vé, phòng lưu trú tại nhiều quốc gia trên thế giới công bố, thuộc khuôn khổ giải thưởng hàng năm mang tên Traveller Review Awards lần thứ 12. Thác Bản Giốc (Trùng Khánh) lọt Top 21 thác nước đẹp nhất thế giới được Tạp chí du lịch quốc tế Travel+Leisure lựa chọn để giới thiệu đến khách du lịch, khẳng định sự hấp dẫn của các điểm du lịch Cao Bằng đối với du khách trong và ngoài nước.
Lĩnh vực du lịch phục hồi và phát triển khởi sắc với nhiều dấu ấn nổi bật. Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), tổng lượng khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt 1.834.730 lượt, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 49.097 lượt, tăng 43% so với cùng kỳ (đạt 49,1% kế hoạch năm); khách du lịch nội địa ước đạt 1.790.846 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 1.466 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 97,8% kế hoạch năm). Công suất sử dụng phòng ước đạt 48,5%.
Du lịch Cao Bằng năm 2024 để lại nhiều ấn tượng với sự thành công của hàng loạt các hoạt động: Chương trình đón đoàn khách du lịch đầu tiên đến tỉnh Cao Bằng năm 2024; tổ chức Lễ hội về nguồn Pác Bó; phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) du lịch tỉnh Cao Bằng; tổ chức Cuộc thi ảnh đẹp Non nước Cao Bằng (2023 - 2024); Hội thi Sáng tạo ẩm thực du lịch “Món ngon miền Non nước”… nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, Lễ vận hành chính thức khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) vào ngày 15/10/2024 sau một năm triển khai thí điểm được tổ chức đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa hai bên trên tinh thần cùng nhau bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng khu cảnh quan thành khu du lịch đặc sắc. Không chỉ vậy, việc đưa khu cảnh quan thác vào vận hành chính thức góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày một phát triển và đi vào chiều sâu; thúc đẩy tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt - Trung. Bên cạnh đó, chương trình du lịch Cao Bằng - thành phố Tịnh Tây, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã và đang là một trong những sản phẩm thu hút du khách du lịch.
Một trong những dấu ấn nổi bật trong năm 2024 của ngành du lịch Cao Bằng là việc tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC”. Được lựa chọn là địa phương đăng cai Hội nghị APGN-8 là vinh dự, khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng nói riêng, mạng lưới CVĐC Việt Nam nói chung trong các hoạt động của mạng lưới CVĐC khu vực và toàn cầu. Hội nghị là sự kiện, dấu mốc quan trọng đối với toàn mạng lưới CVĐC khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, thể hiện quyết tâm, đóng góp của Cao Bằng, của Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực, cũng như các thành viên UNESCO trong việc chung tay hành động mạnh mẽ, tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương - một trong những giải pháp quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà nhân loại đang nỗ lực hướng tới.
Hội nghị APGN-8 đưa ra Tuyên bố Cao Bằng, khẳng định vai trò quan trọng của các CVĐC trong khu vực và toàn cầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa nhân loại và thiên nhiên; kêu gọi sự hợp tác giữa mạng lưới CVĐC châu Á - Thái Bình Dương, mạng lưới khu vực khác và mạng lưới CVĐC toàn cầu thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho CVĐC bảo tồn và phát triển bền vững, xây dựng tầm nhìn dài hạn cho mạng lưới CVĐC toàn cầu. Sự thành công của hội nghị đã truyền tải đến các đại biểu nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về sự quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Cao Bằng theo các tiêu chí của UNESCO. Đồng thời khẳng định, du lịch Non nước Cao Bằng sẵn sàng hội nhập quốc tế, xứng đáng là điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Giám đốc Sở VH,TT&DL Sầm Việt An cho biết: Năm 2024, trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội quốc tế có nhiều biến động lớn, diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều ngành, nghề, lĩnh vực trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh nói riêng tiếp tục có sự phục hồi và phát triển tốt, là điểm sáng trong tổng thể các ngành kinh tế của tỉnh. Năm 2024, ngành du lịch Cao Bằng chủ động triển khai quyết liệt, sáng tạo các chỉ đạo, định hướng quan trọng của Bộ VH,TT&DL, đặc biệt là các văn bản về phát triển du lịch và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bước đầu khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Năm 2025 và thời gian tới, Sở VH,TT&DL tiếp tục thực hiện các nội dung đột phá, chương trình trọng tâm của tỉnh như: Kế hoạch số 11 về phát triển du lịch - dịch vụ năm 2025; Chương trình trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số); Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về số hóa lĩnh vực du lịch tại Đề án chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…tổ chức chuỗi sự kiện du lịch lớn, trọng điểm năm 2025 của tỉnh, trọng tâm là tổ chức đón các đoàn Famtrip đến Cao Bằng khảo sát, hợp tác phát triển du lịch năm 2025; đăng cai tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XVI tại Cao Bằng.
Tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển theo 2 sản phẩm chính gồm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng núi; đẩy mạnh các sản phẩm du lịch bổ trợ gồm du lịch thể thao. Tăng cường phát triển du lịch biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), du lịch lễ hội tâm linh, du lịch đêm… Thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác liên kết đào tạo nhân lực du lịch và tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững.
Tiếp tục phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; triển khai các hoạt động hợp tác - kết nghĩa với CVĐC trong mạng lưới CVĐC Việt Nam và mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO. Mở rộng hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế về du lịch Cao Bằng đến bạn bè quốc tế, vận động xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch - dịch vụ của địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.