Đầu máy kéo - đẩy, niềm tự hào của đường sắt Việt Nam

Trong lịch sử phát triển đường sắt Việt Nam, những đầu máy diesel đã từng là biểu tượng của đổi mới và tiên phong trong công nghệ. Trong số đó, hai đầu máy D8E-1001 và 1002 đã đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng trong khả năng chế tạp và lắp ráp của người Việt.

Hai đầu máy kéo - đẩy D8E-1001 và 1002 hiện nằm tại khuôn viên của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, từng một thời được coi là biểu tượng của sự tiên phong trong công nghệ đường sắt Việt Nam. Những đầu máy này được ra mắt từ năm 2003, chúng đại diện cho niềm tự hào khi lần đầu tiên các kỹ sư Việt Nam tự mình lắp ráp và hoàn thiện một công trình đầu máy lúc bấy giờ.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, chia sẻ: “Năm 2003 – thời kỳ phát triển đầu tiên của ngành đường sắt sau một thời kỳ trầm lắng. Đầu máy D8E, chúng tôi gọi là đầu máy kéo đẩy là bước công nghiệp tiến bộ nhất của đường sắt lúc bấy giờ, được Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, chỉ đạo rất sát sao. Đây là bước đột phá đầu tiên của ngành đường sắt, nó là tiền đề để đường sắt Việt Nam đóng mới được các đầu máy, toa xe”.

Cái tên D8E là sự kết hợp của diesel, 800 mã lực và electric. Đầu máy này sử dụng hai động cơ diezel của Mỹ, máy phát điện, động cơ điện kéo và một số thiết bị điện tử của Trung Quốc cho công suất 800 mã lực.

Về vận hành, lúc bấy giờ đoàn tàu bao gồm hai đầu máy bố trí ở hai đầu và 13 toa xe cao cấp, được điều khiển ghép nối thông qua hệ thống máy tính. Công nghệ tiên tiến được áp dụng, như hệ thống cung cấp nhiên liệu điện tử cho động cơ diesel, công nghệ kích từ không chổi than và hệ thống điều khiển thông minh tối ưu hóa hiệu suất vận hành.

“Tất cả các thông số kỹ thuật đều đạt, được hội đồng nghiệm thu đáng giá rất cao. Tốc độ chạy cao nhất lúc bấy giờ là 80km/h, nhưng thực tế thiết kế là 100 km/h” - ông Nguyễn Văn Thủy cho biết.

Trong quá trình đưa vào vận hành, đầu máy kéo – đẩy D8E 1001 và 1002 chủ yếu chạy các đoạn tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai và Hà Nội – Đồng Đăng. Đến năm 2016, do không còn phù hợp với điều kiện thực tế, đầu máy này dừng hoạt động và được đưa về đặt tại Xí nghiệp đầu máy Hà Nội.

Tuy đã dừng hoạt động được 8 năm, nhưng cho đến hiện tại, đầu máy kéo - đẩy D8E-1001 và 1002 vẫn là một biểu tượng của sự tiên phong và khát vọng đổi mới trong ngành đường sắt Việt Nam. Nó cũng như là minh chứng và động lực cho những thế hệ kỹ sư và người lao động tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành đường sắt.

Hoàng Nhung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dau-may-keo-day-niem-tu-hao-cua-duong-sat-viet-nam-290325.htm
Zalo