Đâu là ranh giới giữa rủi ro kinh doanh và hành vi hình sự?
Trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng phức tạp và rủi ro pháp lý ngày càng hiện hữu, nhiều doanh nhân rơi vào vòng tố tụng hình sự chỉ vì những quyết định tài chính mang tính chất tình thế. Không ít trường hợp, ranh giới giữa một rủi ro kinh doanh hợp pháp và hành vi có dấu hiệu hình sự lại trở nên mong manh, thậm chí bị hiểu nhầm hoặc vận dụng không đúng. Vậy, đâu là ranh giới giữa 'rủi ro kinh doanh' và 'hành vi hình sự'? Làm thế nào để doanh nhân phòng tránh rủi ro bị 'hình sự hóa' trong quá trình quản trị và huy động nguồn lực? Nhằm làm rõ những khía cạnh pháp lý đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, Phóng viên Mỹ Linh, Chuyên trang Doanh nhân & Pháp luật - Báo pháp luật Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Trọng Đại – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), một chuyên gia pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.

Luật sư Hà Trọng Đại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).
1. Thưa Luật sư Hà Trọng Đại, trong các vụ án kinh tế, nhiều doanh nhân bị truy tố vì không trả được nợ đúng hạn hoặc không thực hiện được cam kết tài chính. Trong trường hợp nào hành vi này được xem là “rủi ro kinh doanh”, và khi nào sẽ bị xem là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?
Việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán công nợ hoặc không thực hiện được các cam kết tài chính theo thỏa thuận đôi bên, thậm chí mất khả năng thanh toán trong quá trình hợp tác kinh doanh là việc thường có thể xay ra với bất kỳ doanh nghiệp, doanh nhân nào và trong tình huống đó, để phân định được đâu là “rủi ro kinh doanh” và đâu là hành vi được chuyển hóa từ giao dịch dân sự sang vi phạm pháp luật về hình sự thì phải xem xét rất nhiều yếu tố khác nhau từ khi các bên xác lập giao dịch, đến các hành vi trong quá trình các bên hợp tác với nhau theo thỏa thuận dân sư...;
Trường hợp việc hợp tác, huy động vốn, vay vốn, cam kết lợi nhuận theo các văn bản thỏa thuận... phù hợp với các quy định của pháp luật, đối tượng và mục đích trong các giao dịch trên là minh bạch, được tạo lập hợp pháp, được phép kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. (VD: Cùng nhau góp vốn đề thực hiện dự án bất động sản, huy động vốn để đầu tư sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa sau đó kinh doanh sinh lợi... mà các BĐS hay nguồn hàng hóa là hợp pháp, không mang tính chất được tạo lập khống...). Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh gặp phải các biến động khách quan của thị trường như thiên tai, dịch bệnh, sự kiện bất khả kháng khác hoặc những thay đổi của thị trường mà tại thời điểm giao kết các bên tham gia giao dịch không thể lường trước được quy định cụ thể tại Điều 420 BLDS 2015, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp dẫn tới việc doanh nghiệp không thể thực hiện được các cam kết tài chính, không thanh toán được công nợ, thì đây được xem là một trong những rủi ro kinh doanh mà các bên tham gia phải chấp nhận để cùng nhau tìm hướng khắc phục.
Và nếu vấn là các dự án đầu tư đó, vẫn là các hàng hóa đó nhưng được một trong các bên tham gia giao dịch cố tình đưa ra các thông tin không chính xác về mặt pháp lý, dự án được lập khống không có đầy đủ tính pháp lý để hoạt động, không được phép hoạt động; hàng hóa là đối tượng giao kết cùng nhau đầu tư không đúng với thỏa thuận, bị pháp luật nghiêm cấm hoặc sử dụng các thông tin gian dối để nhận được nguồn vốn của các nhà đầu tư thông qua hợp đồng sau đó sử dụng vào các việc kinh doanh bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng thanh toán hoặc việc kinh doanh thuận lợi có đủ điều kiện để thanh toán nhưng không thanh toán thì đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có thể bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiêm chiếm đoạt tài sản” tùy thuộc vào từng hành vi và diễn biến trong từng vụ việc.
2. Có không ít doanh nghiệp dùng tài sản đã thế chấp để tiếp tục vay vốn hoặc huy động góp vốn từ bên thứ ba. Hành vi này có thể bị xem là “gian dối”, “lạm dụng tín nhiệm” không, nếu doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn và muốn xoay xở vốn?
Theo quy định tại Điều 295, 296 BLDS 2015 thì một tài sản có thể được dùng để đảm bảo cho nhiều khoản vay khác nhau nếu như đáp ứng được 02 điều kiện sau:
- Giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm;
- Bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm về việc tài sản được dùng để tham gia vào nhiều giao dịch bảo đảm;
Trong trường hợp đáp ứng được các điều kiện trên, doanh nghiệp có thể sử dụng một tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ vay.
3. Trên thực tế, có trường hợp doanh nhân ký hợp đồng huy động vốn, nhưng sau đó mất khả năng thanh toán hoặc dự án không triển khai được. Người đầu tư tố cáo “lừa đảo”. Vậy theo pháp luật hình sự, yếu tố nào quyết định hành vi này có phạm tội hay chỉ là rủi ro đầu tư?
Như đã trả lời tại câu hỏi đầu tiên, yếu tố quyết định việc huy động vốn là hành vi phạm tội hay rủi ro đầu tư, nằm ở sự minh bạch và hợp pháp của đối tượng giao dịch là các dự án đầu tư hoặc hàng hóa đầu tư, nếu như các dự án, hàng hóa có đầy đủ tính pháp lý, được phép kinh doanh, không bị pháp luật cấm thì sẽ không có yếu tố phạm tội. Nói cách khác, sự minh bạch, hợp pháp của các đối tượng là chủ thể trong các giao dịch dân sự càng lớn thì rủi ro về việc chuyển hóa các vấn đề dân sự thành hình sự càng nhỏ.

Luật sư Hà Trọng Đại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự làm giám khảo cuộc thi học thuật tại Trường Đại học Luật Hà Nội, truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên luật.
4. Việc “mượn pháp nhân”, nhờ người thân, nhân viên đứng tên công ty hoặc ký thay các văn bản tài chính, hiện đang khá phổ biến trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu công ty vướng sai phạm, người đứng tên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này cho thấy, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ là người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trong các giao dịch; thay mặt doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thêm vào đó những người được lựa chọn là người đại diện theo pháp luật có thể có những hạn chế về chuyên môn, đặc thù kinh doanh, nhưng đều là những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Vì vậy, khi xảy ra sai phạm có cơ sở để cho rằng, những người này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với những giao dịch mà mình đã tham gia xác lập.
5. Thưa Luật sư, một số doanh nhân than phiền rằng họ bị “hình sự hóa” khi đối tác làm ăn cố tình sử dụng tố giác hình sự như một công cụ gây sức ép trong tranh chấp dân sự. Làm sao để cơ quan tố tụng phân định rạch ròi giữa vi phạm dân sự và dấu hiệu hình sự?
Việc minh bạch hợp pháp của các đối tượng được các doanh nhân đưa ra làm căn cứ xác lập giao dịch là yếu tố tiên quyết phân định giữa yếu tố dân sự và hình sự. Trong trường hợp xác định các đối tượng của giao dịch là hợp pháp, minh bạch đúng như các thông tin được thể hiện trong các văn bản giao dịch thì sẽ không có cơ sở để xử lý về mặt hình sự.
6. Luật sư có thể chia sẻ một vụ án cụ thể mà luật sư từng tham gia bào chữa, trong đó doanh nhân bị khởi tố chỉ vì thiếu hiểu biết pháp lý hoặc rơi vào rủi ro khách quan? Rút ra bài học gì để cộng đồng doanh nghiệp tránh lặp lại?
Quá trình hành nghề tôi có từng tham gia bào chữa cho bị cáo trong vụ án xảy ra tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam. Theo đó, vào đầu những năm 2021, doanh nghiệp này gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư, kinh doanh và cần huy động được một nguồn vốn lớn. Do đó, lãnh đạo tập đoàn đã quyết định sẽ sử dụng hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là một trong những loại hình được pháp luật cho phép doanh nghiệp thực hiện để huy động vốn từ bên thứ ba. Tuy nhiên, để phát hành được trái phiếu và bán được cho nhà đầu tư thứ cấp lại là một chuyện dài và vì quá nôn nóng cũng như tính cấp thiết của việc cần vốn trong kinh doanh đã khiến cho các thành viên quản trị công ty chỉ đạo cấp dưới xác lập, ký kết nhiều hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đặt cọc, mua bán cổ phần... không có thật giữa các công ty thành viên trong tập đoàn của mình... Kết quả các bị cáo đều bị truy tố và xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vì vậy, tôi cho rằng, trong kinh doanh thì vốn là yếu tố quan trọng và ai khi đã kinh doanh đều muốn doanh nghiệp của mình tăng trường mạnh mẽ. Tuy nhiên, để có được những con số tăng trưởng ấn tượng như mong muốn, trước hết những người làm chủ nên định hình cho doanh nghiệp của mình những phương án làm ăn đúng đắn, những hoạt động kinh doanh, giao dịch trong kinh doanh được xây dựng bởi nển tảng pháp lý vững chắc từ đó tăng trưởng một cách bền vững tránh trường hợp nôn nóng về mặt kinh tế, tài chính mà mắc phải những rủi ro đáng tiếc với pháp luật./.

"Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, việc thất hứa về tài chính, mất khả năng thanh toán hay dự án không thành công không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tội phạm. Tuy nhiên, khi xuất hiện yếu tố gian dối hoặc cố ý chiếm đoạt tài sản, hành vi có thể chuyển hóa thành tội danh hình sự. Doanh nhân cần hiểu rõ ranh giới pháp lý này để bảo vệ mình, bảo vệ doanh nghiệp và tránh nguy cơ bị “hình sự hóa” trong những tranh chấp mang tính chất dân sự."
Luật sư Hà Trọng Đại – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)