Đâu là những vấn đề y tế mà cử tri quan tâm?
Nhiều cử tri của ngành y tế đang quan tâm đến việc xây dựng chính sách y tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kém chất lượng và tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế nhưng không để xảy ra vỡ trận, quá tải bệnh viện tuyến trên.
Chính sách y tế cần phải sát với thực tiễn
Hiện nay, lĩnh vực y tế là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm. Cử tri đặc biệt quan tâm tới thông tin tới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề về việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng và quan tâm của mình đối với ngành Y tế, nhất là câu chuyện xây dựng chính sách của ngành cần thiết bám sát với thực tiễn hơn. Ông Phạm Văn Học - Tổng Giám đốc hệ thống Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam đã bày tỏ hy vọng tới đây nhiều vấn đề y tế được Bộ trưởng Đào Hồng Lan giải đáp rõ ràng cho cử tri và nhân dân hiểu, từ đó đồng hành cùng ngành y trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Bản thân ông Phạm Văn Học rất ủng hộ nhiều chính sách y tế thời gian qua, đặc biệt, hiện nay Bộ Y tế đang trình hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo ông Phạm Văn Học, trong dự thảo Luật Dược có đề cập đến vấn đề bỏ quy định bắt buộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc nhập vào Việt Nam. Lâu nay và quy định này, bất kỳ thuốc nào vào Việt Nam phải trải qua hàng rào thử nghiệm lâm sàng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có quan điểm không cần như vậy vì các thuốc đã thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài an toàn thì cho nhập. “Nếu quy định bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng mới cho vào Việt Nam thì tự mình làm khó mình, khiến khó lại càng khó hơn” – ông Phạm Văn Học nêu.
Trong khi đó, về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, ông Phạm Văn Học cho rằng, có 4 chính sách mới liên quan đến quy định mức đóng bảo hiểm xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng bảo hiểm y tế, quy định về vấn đề thông tuyến và thanh quyết toán bảo hiểm. Hiện nay, theo ông Phạm Văn Học, có hai quan điểm thông tuyến toàn quốc, tức có thẻ đi đâu khám cũng được như một số nước trên thế giới áp dụng. Thứ hai, muốn đi tuyến trên phải qua tuyến dưới trước. “Quan điểm của tôi, thông tuyến thì phải trong kiểm soát. Tức là thông tuyến tỉnh trở xuống còn ở tuyến Trung ương, bệnh viện chuyên sâu phải kiểm soát nếu không dễ vỡ trận. Luật đang dự thảo, một số bệnh hiểm nghèo được đi thẳng. Cái này là hợp lý, tôi ủng hộ” – ông Phạm Văn Học chia sẻ.
Về cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, ông Học cho rằng, lâu nay ngành bảo hiểm có khái niệm trục lợi quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện tượng này không phải phổ biến khắp nơi mà chỉ cá biệt ở một số nơi, một số vị trí. Do đó, cần thiết phải tăng quyền lợi cho người bệnh và bệnh viện trong vấn đề chi trả bảo hiểm y tế. “Quỹ bảo hiểm y tế chưa bao giờ dùng hết trong suốt 20 năm qua, vậy tại sao người dân tham gia bảo hiểm y tế lại phải bỏ tiền túi ra rất nhiều để trả những thứ lẽ ra họ được hưởng” – ông Phạm Văn Học nêu.
Liên quan đến vấn đề xây dựng chính sách, anh Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng bày tỏ sự đồng tình về những nỗ lực, cố gắng của ngành y tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng vấn đề bảo hiểm y tế thông tuyến trong dự thảo luật Bảo hiểm y tế hiện nay. “Không cẩn thận là vỡ trận” – ông Thuận nhận định.
Nếu như các cơ sở y tế chênh lệch nhau về chất lượng, trình độ, năng lực chưa kể về thuốc và vật tư thì người dân đi khám chắc chắn họ chọn cơ sở điều trị họ yên tâm, tin tưởng. Ví dụ trên địa bàn thành phố Đà Lạt, người dân đi khám sẽ ưu tiên chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng mà ít chọn Trung tâm y tế Đà Lạt. Nếu như vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng sẽ vỡ trận, trong khi đó Trung tâm y tế Đà Lạt sẽ ít bệnh nhân. “Nếu ít bệnh nhân, Trung tâm y tế Đà Lạt sẽ không có điều kiện để tồn tại vì hiện nay trả lương bằng viện phí” – anh Nguyễn Đức Thuận bày tỏ lo lắng.
Nếu bài toán thông tuyến trong không tính kỹ sẽ dẫn tới bệnh viện quá tải, trong đó bệnh viện tuyến dưới sẽ ít dần người bệnh. “Muốn thông tuyến cần có lộ trình, không thể áp dụng ngay được vào thời điểm này. Vì chắc chắn khi thực hiện sẽ có hiện tượng đơn thư phản ánh, về thái độ của bác sĩ tuyến trên bởi vì quá tải. Bảo hiểm y tế, danh mục thuốc cũng sẽ bị phá vỡ” – ông Thuận nhấn mạnh.
Còn nhiều bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế
Bên cạnh việc cử tri quan tâm đến việc xây dựng chính sách, trong đó có hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì còn những vấn đề y tế mà họ cũng thấy cần thiết phải có điều chỉnh. Một cử tri ngành y, hiện đang là Phó Giám đốc Sở Y tế của tỉnh chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về những bất cập trong mua sắm thiết bị y tế hiện nay.
Theo đó, đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế đang xảy ra tình trạng ai bỏ giá thấp thì trúng thầu mà chất lượng lại rất thấp, vật tư y tế mua sắm không đáp ứng được nhu cầu của bác sĩ khám chữa bệnh. Theo đó, trước đây khi mua sắm có quy định phân nhóm về tiêu chuẩn, xuất xứ… Từ ngày Luật Đấu thầu mới ra đời không có hướng dẫn, phân nhóm trong đấu thầu y tế. Việc này dẫn tới ai rẻ thì trúng. Chính vì thế, mua sắm được nhưng không phục vụ đúng nhu cầu điều trị của bác sĩ.
“Băng keo cá nhân mua loại rẻ nhất thì keo dán không dính, băng keo trật ra. Dao mổ thì rạch nhiều lần không đứt da. Cái đó là thực tế đang diễn ra” – vị này cho biết. Cũng theo vị này, vật tư y tế thông thường chất lượng kém còn dễ khắc phục nhưng những vật tư kỹ thuật cao như thủy tinh thể chẳng hạn bác sĩ còn không dám sử dụng cho bệnh nhân. “Chúng tôi mong muốn có hướng dẫn phân nhóm kỹ thuật để làm sao lựa chọn được nhiều hàng hóa chất lượng để phục vụ điều trị được tốt hơn” – vị này bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, ông Phạm Văn Học cho rằng, việc thiếu thuốc tại các bệnh viện có bất cập trong quy định mua sắm. Trong đấu thầu mục đích đưa ra giá trần để các đơn vị không lạm dụng mua giá cao hơn. Vậy các đơn vị bán giá thấp hơn tại sao bệnh viện lại không được mua khi họ đã hết thuốc sử dụng. Nếu các bệnh viện được phép mua của bất kỳ đâu với điều kiện bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu sẽ không xảy ra việc thiếu thuốc.
Còn nếu không ai bán giá thấp hơn thì khi mua giá cao hơn, mà người bệnh chấp nhận chi trả phần chênh lệch thì sẽ không có trường hợp thiếu thuốc. “Trong thực tế, chuyện thầu có vướng mắc nhất định, bác sĩ cần thuốc như người lính ra trận cần có vũ khí. Không bệnh viện, không bác sĩ nào muốn thiếu thuốc. Nhưng khi gặp khó thì vướng đủ đường. Cần thiết phải thông thoáng hơn trong mua sắm để người bệnh có thuốc, bác sĩ có thuốc để chỉ định điều trị” – ông Phạm Văn Học nhấn mạnh.
Có thể thấy, qua trao đổi nhiều ý kiến của cử tri cho thấy sự quan tâm và tâm huyết của họ đối với ngành y. Nhiều cử tri mong có được những chính sách tốt, phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và tạo thuận lợi cho y, bác sĩ hoạt động nghề nghiệp.