Đâu là giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024?

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 7% trong năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 6 giải pháp.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng diễn biến kinh tế trong nước và thế giới những tháng cuối năm vẫn khó lường. Làm thế nào để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,8 - 7% trong năm 2024 như mục tiêu đề ra? Để làm rõ hơn vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng khá ấn tượng, xin bà phân tích rõ hơn về bức tranh kinh tế 9 tháng?

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Ảnh ST)

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Ảnh ST)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2024 tăng 7,4%, trong đó: Khu vực I tăng 2,58%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm tăng trưởng; Khu vực II tăng 9,11%, đóng góp 3,7 điểm; Khu vực III tăng 7,51%, đóng góp tăng 3,56 điểm. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 6,82%, trong đó: Khu vực I tăng 3,2%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm tăng trưởng; Khu vực II tăng 8,19%, đóng góp 3,23 điểm; Khu vực III tăng 6,95%, đóng góp 3,39 điểm.

Khu vực I: Ảnh hưởng của bão số 3 đổ bộ trong tháng 9 đã tác động tới kết quả tăng trưởng chung của khu vực này. Quý III năm 2024, giá trị tăng thêm của nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng thấp hơn các năm còn lại của giai đoạn 2020 - 2023, trong đó, hoạt động nông nghiệp tăng thấp nhất trong giai đoạn kể từ năm 2020 đến nay và các quý đầu năm 2024 do nhiều diện tích trồng lúa mùa sắp cho thu hoạch, đàn gia súc, gia cầm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng bị mất trắng hoặc thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3.

Do sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu sau bão nên tính chung 9 tháng năm 2024, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng không đạt mức tăng trưởng như dự kiến, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng của các năm từ 2021-2023 với 3,2%; trong đó hoạt động nông nghiệp tăng chậm lại, hoạt động lâm nghiệp và thủy sản đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92%; ngành lâm nghiệp tăng 4,96%; ngành thủy sản tăng 3,73%.

Khu vực II: Khu vực công nghiệp quý III đạt 9,59% là mức tăng cao nhất trong 3 quý kể từ đầu năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất về tăng trưởng của khu vực này phải kể đến ngành chế biến, chế tạo với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng quý 3 cao nhất kể từ năm 2020. Có được mức tăng này một phần do thị trường xuất khẩu trên đà khởi sắc, nhà sản xuất nhận thêm nhiều đơn hàng mới cho những tháng cuối năm, mặt khác đây là con số được tính trên nền tăng trưởng khá thấp của năm 2023. Trong khu vực này, ngành khai khoáng tiếp tục có tốc độ giảm (-7,09%), ngành sản xuất và phân phối điện đạt tốc độ tăng thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm (8,06%). Tuy nhiên, một số yếu tố ngoài dự kiến đã hỗ trợ tăng trưởng của các ngành công nghiệp như ngành lọc hóa dầu có tăng trưởng tốt sau thời kỳ nghỉ bảo dưỡng; ngành điện tử có khởi sắc; ngành dệt may tận dụng được những đơn hàng từ nước ngoài do thị trường quốc tế có những khó khăn, bất ổn…

Tính chung 9 tháng, toàn ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 8,34%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% và ghi nhận nhiều hoạt động có chỉ số sản xuất IIP đạt mức hai con số như: Sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng trên 28%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng trên 24%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng trên 18%; sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng trên 16%; sản xuất xe có động cơ, dệt, tăng khoảng 13%; hoạt động sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng khoảng 12%. Ngành sản xuất, phân phối điện tăng trên 11%. Ngành cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt tăng trưởng 9,83%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2020 trở lại đây.

Tính chung 9 tháng, toàn ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 8,34%. Ảnh KL

Tính chung 9 tháng, toàn ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 8,34%. Ảnh KL

Đạt được kết quả như trên, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 được hỗ trợ bởi những yếu tố thuận lợi nào, thưa bà?

Theo tôi, tăng trưởng kinh tế 9 tháng được hỗ trợ bởi 3 yếu tố, bao gồm:

Thứ nhất, Chính phủ chủ động ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng về giảm, gia hạn thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.

Thứ ba, thu hút vốn FDI đã tăng trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài ổn định sản xuất và mở rộng hoạt động. Đối thoại kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra nhằm cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia cũng mở ra nhiều cơ hội kinh tế vì đây là thị trường quen thuộc với đa số người dân và cộng đồng người Việt ở Australia cũng khá đông.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tăng trưởng 9 tháng cũng đối mặt với một số rủi ro như: Hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng, cần được nghiêm túc khai thác bài bản, hiệu quả các sản phẩm du lịch để tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp vẫn đối mặt với ba vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý, một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để; Doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều khi một số nước dự kiến áp dụng từ năm 2026. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã ổn định hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: Tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến con người, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% và ghi nhận nhiều hoạt động có chỉ số sản xuất IIP đạt mức hai con số (Ảnh KL)

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% và ghi nhận nhiều hoạt động có chỉ số sản xuất IIP đạt mức hai con số (Ảnh KL)

Theo bà, đâu là những giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,8-7% trong năm 2024?

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III và 9 tháng năm 2024 ước đạt 7,40% và 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8-7% đề ra, đồng thời tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Mặc dù thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa.

Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong nước, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.

Thứ ba, thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, dịch vụ logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm chi phí sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách về thuế, phí, lãi suất.

Thứ sáu, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các rào cản, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường và các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, xã hội là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-la-giai-phap-de-viet-nam-dat-muc-tieu-tang-truong-7-trong-nam-2024-351542.html
Zalo