Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) lên kế hoạch huy động 600 tỷ đồng qua chào bán riêng lẻ

CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản ngày 14/02/2025 về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ.

Theo phương án, PAP dự kiến chào bán riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 2.320 tỷ đồng lên 2.920 tỷ đồng. Mục tiêu của đợt phát hành là nhằm nâng cao năng lực tài chính và bổ sung vốn cho dự án đầu tư xây dựng cảng Phước An.

Đối tượng tham gia đợt chào bán sẽ giới hạn dưới 100 nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đáng chú ý, hai cổ đông lớn nhất của PAP là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sẽ không tham gia đợt phát hành này. Do đó, tỷ lệ sở hữu của PVN dự kiến giảm từ 15,08% xuống 11,98%, và tỷ lệ sở hữu của Hoành Sơn giảm từ 17,33% xuống 13,77% sau khi phát hành.

PAP dự kiến thực hiện chào bán trong năm 2025, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Mặc dù chưa xác định giá chào bán cụ thể, PAP dự kiến thu về 600 tỷ đồng (theo mệnh giá) từ đợt phát hành. Toàn bộ số tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán các chi phí liên quan đến các gói thầu của dự án đầu tư xây dựng cảng Phước An, bao gồm mua sắm thiết bị, xây lắp và tư vấn.

Cảng Phước An có vị trí tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, với diện tích sử dụng đất khoảng 164,4 ha. Dự án có quy mô 9 bến với tổng chiều dài 2.830m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 30.000-60,000 DWT.

Tính đến giữa tháng 1/2025, PAP đã hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị đầu tư, chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền trồng rừng thay thế và nhận bàn giao 157,3 ha trên tổng số 164,4 ha.

Phân kỳ 1 của dự án đã hoàn thành thi công và đi vào hoạt động từ quý 4/2024. Phân kỳ 2 đang trong giai đoạn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế bản vẽ thi công. PAP đặt mục tiêu hoàn thành và đưa Phân kỳ 2 vào khai thác từ cuối năm 2025, đồng thời triển khai Phân kỳ 3 để kịp khai thác trong năm 2026.

Tổng vốn đầu tư của dự án được phê duyệt là 11.024 tỷ đồng. Đến giữa tháng 1/2025, PAP đã sử dụng gần 861 tỷ đồng vốn tự có và 3.000 tỷ đồng vốn vay ngân hàng. Để đảm bảo tiến độ và giảm áp lực tài chính, công ty cần huy động thêm 600 tỷ đồng trong năm 2025, tương ứng với số cổ phiếu dự kiến phát hành. Trong trường hợp không huy động đủ, ban lãnh đạo công ty sẽ điều chỉnh phương án sử dụng vốn nhưng vẫn đảm bảo tiến độ dự án và có thể xem xét các phương án huy động vốn bổ sung.

Do đang trong giai đoạn đầu tư dự án, PAP chưa ghi nhận doanh thu trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, năm 2024, công ty bất ngờ ghi nhận hơn 2 tỷ đồng doanh thu thuần và 15 tỷ đồng doanh thu tài chính. Dù vậy, PAP vẫn báo lỗ sau thuế hơn 17 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất trong 4 năm qua.

Ngay sau khi Nghị quyết về việc tăng vốn được ĐHĐCĐ thông qua, cổ phiếu PAP đã có phản ứng tích cực, tăng trần hai phiên liên tiếp (14-17/02/2025), đạt mức 34.600 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 17/02/2025.

An Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/dau-khi-dau-tu-khai-thac-cang-phuoc-an-pap-len-ke-hoach-huy-dong-600-ty-dong-qua-chao-ban-rieng-le-80801.html
Zalo