Dấu hỏi lớn về trọng tài và VAR quanh tuyệt phẩm của Nguyễn Xuân Son
Lẽ ra đó phải là một bàn thắng, một tuyệt phẩm, nét đẹp, song trọng tài lại từ chối dù VAR cũng không chỉ ra lý do để phủ nhận bàn thắng.
Trong bóng đá, những tình huống như pha đưa bóng vào lưới của Nguyễn Xuân Son ở phút 84, không được công nhận bàn thắng hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn và cảm tính của trọng tài. Nhưng từ khi có VAR lại cho thấy phần trợ giúp của VAR có khi cũng chỉ là phần hình thức và phần "người" đã "vượt qua" áp đặt cả công nghệ.
Chiếu chậm trên truyền hình và cả những đoạn của VAR cho thấy tay của Nguyễn Xuân Sơn có chạm bóng hay không là chuyện nhạy cảm. Nếu trọng tài nhìn dưới góc độ bóng có chạm tay của Safuwan hay để Việt Nam được hưởng phạt đền hay không thì có thể bóng đã chạm tay Safuwan. Ở đây là một pha che bóng ở tình huống phút 84, khi Nguyễn Xuân Son đón đường chuyền của đồng đội.
Quả bóng nảy từ mặt sân lên, phía sau trung vệ vào thay người Safuwan bị lưng của Son che và Nguyễn Xuân Son trụ rất chắc khiến Safuwan nhỏ con không thể “bứng tảng đá” ấy hoặc đè Son té ngã. Hai tay của Safuwan choàng qua vai của Son và cùng song song với hai cánh tay của Son, quả bóng thì từ mặt sân nảy lên.
Truyền hình chiếu chậm chỉ phân tích bóng có chạm tay Son hay không mà không phân tích bóng đã chạm tay của Safuwan. Tình huống này diễn ra bên trong vùng 16m50. Nếu “giải quyết” tình huống theo góc nhìn thứ hai thì có thể bóng chạm tay Safuwan. Nói chung đó là “tình huống 50-50” và ở đây Singapore là chủ nhà, nên đôi khi được hưởng lợi như thế, chỉ xét dưới góc độ "soi" Nguyễn Xuân Son có để bóng chạm tay hay không mà thôi.
Thực ra đó là một pha tì đè và che bóng rất đỉnh, nét đẹp của bóng đá là thế. Sức mạnh của bóng đá trong vẻ đẹp ấy chính là Nguyễn Xuân Son.
Nguyễn Xuân Son hoàn toàn nỗ lực không để bóng chạm vào tay là điều dễ thấy, rồi sau đó xoay người thực hiện cú vô lê nửa nảy, bóng vẽ nên một tuyệt tác.
Safuwan cùng Hariss Harun là hai cựu binh còn sót lại của lần Singapore vô địch AFF Cup 2012. Safuwan rất tinh ranh, một khi tình huống như thế tranh chấp thua là thể hiện như kiểu bản năng là bóng đã chạm tay đối phương. Nói như các cầu thủ chuyên nghiệp là tiểu xảo đổ cái sai của người khác để che cái lỗi của mình.
Những cầu thủ đá phòng ngự lão luyện lâu năm rất hay chơi chiêu này và có lẽ ở khu vực Đông Nam Á này như kiểu Theerathon của Thái Lan vậy.
Một trọng tài biết tôn vinh bóng đá đẹp, nét đẹp của bóng thì nên công nhận pha đưa bóng vào lưới Singapore của Nguyễn Xuân Son ở phút 84 là bàn thắng dù đó là bàn thắng của đội khách và đó mới là công tâm.
Sau tuyệt phẩm bị từ chối, tình huống Hariss Harun chạm bóng dẫn đến phạt đền thì đã rõ mười mươi. Có thể nó không phải cú chạm tay đầu khi Harun lao đến vì lúc đó anh đã khép tay sát vào hông. Tuy nhiên pha té ngã rồi dồn bóng vào người chạm tay nhiều lần thì đã thừa yếu tố “cấu thành” phạt đền rồi.
Trọng tài và VAR tại AFF Cup đến nay chưa tổng kết nhưng hoàn toàn có thể nói là một bước lùi lớn của giải dù ban tổ chức cẩn thận hạn chế trọng tài Đông Nam Á làm nhiệm vụ