Dấu hiệu nhận biết và cách loại bỏ phần mềm gián điệp trên điện thoại
Nếu điện thoại của bạn bỗng dưng tự động gửi tin nhắn hoặc xuất hiện các biểu hiện lạ mà bạn không thể lý giải, rất có thể bạn đang là nạn nhân của phần mềm gián điệp.
Phần mềm gián điệp là gì?
Phần mềm gián điệp (spyware) là một loại chương trình ẩn được cài vào thiết bị (điện thoại, máy tính...) nhằm theo dõi người dùng mà họ không hề hay biết. Spyware có thể ghi lại mọi hoạt động như tin nhắn, vị trí, mật khẩu, thậm chí bật micro và camera để nghe lén hoặc quay lén. Dữ liệu thu thập được thường được gửi về cho người cài đặt để theo dõi hoặc sử dụng vào mục đích xấu.
Điều đáng ngại là những người đứng sau không phải lúc nào cũng là một hacker xa lạ, mà đôi khi lại là người rất gần gũi, ví dụ như người yêu cũ, người thân hoặc bạn cùng phòng. Họ chỉ cần “mượn máy một chút”, hoặc gửi một liên kết giả mạo để bạn nhấp vào là đã đủ để đưa phần mềm gián điệp vào điện thoại.

Phần mềm gián điệp có thể được cài đặt lên điện thoại chỉ trong vài phút. Ảnh: AI
Phần mềm gián điệp hoạt động như thế nào?
Khi đã xâm nhập vào thiết bị, phần mềm gián điệp sẽ âm thầm hoạt động ở chế độ nền. Nó ghi lại mọi thao tác từ bàn phím, đọc tin nhắn, email, theo dõi vị trí GPS và thậm chí kích hoạt micro, camera mà người dùng không hề hay biết.
Mọi dữ liệu thu thập được sau đó được gửi về máy chủ hoặc tài khoản đám mây do kẻ gian kiểm soát.
Đáng lo ngại hơn, nhiều phần mềm gián điệp ngày nay còn được ngụy trang rất tinh vi dưới các tên gọi như System Services, Device Helper hay ứng dụng kiểm soát của phụ huynh. Chúng không hiển thị biểu tượng, không yêu cầu quyền rõ ràng, khiến người dùng khó mà phát hiện nếu không để ý.
Dấu hiệu nhận biết điện thoại bị theo dõi
Dù tinh vi đến đâu, phần mềm gián điệp cũng sẽ để lại dấu vết. Người dùng có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện bất thường như pin tụt nhanh dù không sử dụng nhiều, điện thoại nóng lên bất thường khi ở chế độ nghỉ, hoặc xuất hiện ứng dụng lạ trong máy.
Ngoài ra, các lỗi nhỏ như gợi ý từ kỳ lạ, cửa sổ bật lên không rõ nguồn gốc, tiếng rè trong cuộc gọi, hay mức sử dụng dữ liệu tăng đột biến đều có thể là dấu hiệu cảnh báo.
Trong nhiều trường hợp, người dùng cảm nhận được sự khác thường nhưng thường bỏ qua vì cho rằng đó là lỗi kỹ thuật thông thường.
Làm gì khi nghi ngờ điện thoại bị cài phần mềm gián điệp?
Nếu bạn nghi ngờ điện thoại bị theo dõi, điều đầu tiên cần làm là sao lưu toàn bộ dữ liệu quan trọng như ảnh, tin nhắn, danh bạ. Sau đó, thực hiện khôi phục cài đặt gốc (factory reset) để xóa sạch mọi ứng dụng và thiết lập. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ phần mềm ẩn.
Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý không nên khôi phục toàn bộ dữ liệu từ bản sao lưu cũ, vì phần mềm gián điệp có thể nằm sẵn trong đó.
Thay vào đó, hãy cài đặt lại các ứng dụng một cách thủ công và thay đổi toàn bộ mật khẩu, từ email, mạng xã hội đến tài khoản ngân hàng, đồng thời bật xác thực hai yếu tố (2FA) để tăng cường bảo mật.

Khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại để xóa toàn bộ dữ liệu.
Sau khi thiết lập lại, người dùng nên sử dụng phần mềm bảo mật chuyên dụng để quét toàn bộ thiết bị. Một số công cụ đáng tin cậy như TotalAV, Kaspersky… có khả năng phát hiện và loại bỏ spyware, keylogger và các mối đe dọa ngầm khác.
Nếu bạn phát hiện phần mềm gián điệp được cài đặt bởi người thân, người quen hoặc đối tác cũ, đừng xem nhẹ vấn đề. Hành vi này có thể cấu thành vi phạm pháp luật, đặc biệt nếu liên quan đến xâm phạm đời tư. Trong những trường hợp nghiêm trọng, đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo vệ quyền riêng tư.