Dấu hiệu chứng tỏ bạn nhiễm giun đường ruột
Giun đường ruột có thể dẫn đến khó chịu ở dạ dày, chán ăn, buồn nôn và nhiều triệu chứng tiêu hóa khác.
Một trong những dạng ký sinh trùng đường ruột phổ biến nhất ở người là giun, thường được gọi là giun ký sinh. Nhiễm giun xảy ra khi giun lây nhiễm vào ruột và các bộ phận khác trên cơ thể bạn.
Bạn có thể gặp các triệu chứng tiêu hóa như khó chịu ở dạ dày và tiêu chảy nếu bạn bị ký sinh trùng đường ruột. Hầu hết trường hợp nhiễm giun đường ruột chỉ lây nhiễm nhẹ và dễ dàng chữa khỏi bằng thuốc.
Triệu chứng điển hình
Chia sẻ với Health Shots, Prashant Moralwar, bác sĩ tư vấn nhi khoa, Bệnh viện Phụ sản Kharghar (Ấn Độ), cho biết các triệu chứng phổ biến của nhiễm giun bao gồm khó chịu, sụt cân, đau bụng, đái dầm và có máu trong phân. Ngoài ra, mỗi trường hợp nhiễm giun có thể biểu hiện các triệu chứng khác nhau:
- Nhiễm sán dây gây vàng da, buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn quá nhiều và thậm chí là suy dinh dưỡng.
- Tiêu chảy, đi ngoài có giun trong phân, ho khan và sốt đều là những triệu chứng của nhiễm giun đũa.
- Nhiễm giun kim gây ngứa quanh hậu môn, khó ngủ và đi tiểu khó chịu.
- Khò khè, ho, kiệt sức và thiếu máu đều là những triệu chứng của nhiễm giun móc.
Làm thế nào để ngăn ngừa giun đường ruột?
Cách tốt nhất để tránh giun là thực hành vệ sinh tay tốt và giữ móng tay ngắn. Chúng phổ biến hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Để tránh nhiễm giun, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
Rửa tay bằng xà phòng trước khi nấu, ăn, chơi, thay tã, đi vệ sinh và xử lý động vật hoặc phân động vật
Không ăn thịt, cá hoặc gia cầm sống hoặc chưa nấu chín
Rửa sạch rau củ quả bằng nước sạch
Nước uống sạch, an toàn
Khử trùng đồ chơi, quần áo cho trẻ
Giặt và phơi đồ vải thường xuyên dưới ánh nắng mặt trời
Tránh đi chân trần
Khử trùng khu vực và làm sạch phân động vật
Giữ thú cưng của bạn luôn sạch sẽ.
Nếu không may bị nhiễm giun, bạn nên uống thuốc tẩy giun, dễ tìm thấy ở các hiệu thuốc. Ngay cả khi không có triệu chứng nào, các gia đình vẫn nên điều trị để phòng ngừa giun kim và nhớ tẩy giun đều đặn 6 tháng/lần. Bạn cũng nên duy trì các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt trong khi dùng thuốc để tránh tái nhiễm.
Các phương pháp điều trị nhiễm giun đường ruột khác có thể bao gồm albendazole, mebendazole, ivermectin và praziquantel, tiêu diệt ký sinh trùng mà không ảnh hưởng đến người bệnh. Trước khi dùng thuốc tẩy giun, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại thuốc và liều lượng tốt nhất.