Đấu giá tàu sắt trôi dạt trên vùng biển Quảng Trị

Tàu sắt không rõ xuất xứ từng trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị sẽ được bán đấu giá.

Ông Phan Phùng Hải, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị thông tin, cảng vụ vừa được UBND tỉnh Quảng Trị giao làm cơ quan chủ trì xử lý tàu sắt trôi dạt vào bờ biển xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Chiếc tàu sắt (bên phải) thời điểm trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị.

Chiếc tàu sắt (bên phải) thời điểm trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị.

Tàu có kết cấu bằng sắt, có chiều dài khoảng 18m, chiều rộng khoảng 3,5m, chiều cao khoảng 3m trong tình trạng đã hoen rỉ, đã qua sử dụng. Trên tàu không có máy tàu, hệ thống lái, ngư lưới cụ, nhiên liệu.

Cảng vụ sẽ tiến hành lựa chọn tổ chức đấu giá và thực hiện đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý tài sản tàu sắt. Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày phương án xử lý tài sản trôi dạt được phê duyệt.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, thời gian qua, có nhiều tàu trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị.

"Với các tàu khi kiểm tra hiện trạng và xác định được vẫn có thể tận dụng giá trị, cảng vụ sẽ trình phương án xử lý, trong đó có thể bán đấu giá. Cũng có những trường hợp, cảng vụ sẽ đề xuất cấp thẩm quyền tiêu hủy", ông Hải thông tin.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Nghị định số 05/2017 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam quy định, hội đồng định giá sẽ thuê tổ chức có đủ khả năng, điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá trị tài sản chìm đắm làm căn cứ xem xét, tham khảo trước khi quyết định giá trị tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp các tổ chức định giá từ chối thẩm định giá hoặc không thể thực hiện thẩm định giá, hội đồng định giá sẽ căn cứ các quy định pháp luật để thực hiện thẩm định giá đối với tài sản nêu trên.

Đồng thời, hội đồng định giá sẽ căn cứ các quy định pháp luật để thực hiện thẩm định giá đối với tài sản nêu trên.

Việc quản lý nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ xử lý tài sản chìm đắm được thực hiện theo Nghị định số 05/2017 quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.

Trước đó, tháng 11/2023, ngư dân xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) đi đánh cá, phát hiện cách bờ khoảng 5 hải lý một tàu sắt trôi dạt. Sau đó, biên phòng cùng ngư dân lai dắt tàu này về cảng cá Cửa Việt.

Tàu được ghi nhận làm bằng vỏ sắt đã hoen rỉ, dài 18m, rộng 3,5m, cao 3m, có một số chữ nước ngoài nghi là chữ Trung Quốc.

Tàu có màu xanh đen, trên tàu không có người, không có máy tàu, không có hệ thống lái và ngư cụ. Trong buồng lái có một số vật dụng sinh hoạt cá nhân đã cũ (quần áo, bàn chải đánh răng...). Tàu không có các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, lai lịch con tàu và chủ sở hữu.

Tại Nghị định số 05/2017 quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, đối với tài sản chìm đắm không xác định được chủ sở hữu thì số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm được sử dụng để thanh toán các khoản chi quy định (bao gồm chi phí trục vớt, giám định tài sản chìm đắm; chi phí vận chuyển, trông coi, bảo quản tài sản chìm đắm; chi phí điều tiết thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông liên quan đến quá trình trục vớt (nếu có); chi phí thông báo tìm chủ sở hữu tài sản, chi phí chuyển giao tài sản, chi phí tiêu hủy tài sản, chi phí định giá, bán đấu giá tài sản; Thuế, phí, lệ phí (nếu có); Chi phí tiêu hủy (nếu có).

Số tiền còn lại (nếu có) được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Đối với tài sản chìm đắm bị mất quyền sở hữu, số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm sau khi thanh toán các khoản chi phí quy định, số tiền còn lại (nếu có) được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dau-gia-tau-sat-troi-dat-tren-vung-bien-quang-tri-192240922165433236.htm
Zalo