Ủy ban châu Âu hôm 3/9 cho biết, các lệnh trừng phạt của Ukraine không ngăn cản dầu giá rẻ của Nga tiếp tục chảy đến Hungary và Slovakia, bác bỏ tuyên bố của Budapest về tình trạng thiếu nhiên liệu sắp xảy ra.
Hungary đã cảnh báo trong nhiều tuần về một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau những hành động gần đây của Ukraine nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp sản phẩm từ tập đoàn năng lượng khổng lồ Lukoil của Nga qua lãnh thổ nước này.
Bên cạnh đó, Slovakia cũng khẳng định nước này sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, nhưng vừa qua, các thành viên thuộc Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của EU đã bác bỏ quan điểm trên.
Theo đánh giá, Hungary vẫn nhận được lượng nhiên liệu tương tự như trước khi các biện pháp trừng phạt bổ sung được Kyiv áp dụng, đồng thời kêu gọi cả nước này và Slovakia cung cấp thêm thông tin nếu họ muốn EU giúp đỡ.
Trên thực tế, Brussels ám chỉ rằng hai quốc gia EU chỉ đơn giản muốn lợi dụng lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Liên bang Nga và tạo ra tình trạng dư thừa nhiên liệu để bán sản phẩm bị cấm vận ở châu Âu.
Hiện tại, cả Hungary và Slovakia vẫn nhận được đầy đủ dầu từ Nga theo hợp đồng. Nói cách khác, EC cáo buộc rất rõ ràng hai thành viên EU đang cố gắng thu lợi từ dầu giá rẻ của Nga, sau những lời phàn nàn về vấn đề thiếu hụt có thể xảy ra.
Những người chỉ trích quan điểm của Budapest và Bratislava nhận xét, cả hai nước đều phóng đại tác động tiềm tàng của các lệnh trừng phạt từ Kyiv. Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc dỡ bỏ biện pháp hạn chế cho phép họ mua dầu của Nga luôn chỉ mang tính chất tạm thời.
Đối với Hungary - quốc gia hiện có giá nhiên liệu thấp nhất tại EU, ngay cả khi các nước láng giềng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào Nga, đã đề xuất một thỏa thuận đặc biệt.
Theo Budapest, họ sẽ được phép mua dầu bị trừng phạt của Nga cho đến khi có khả năng phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Ukraine chống lại Tập đoàn Lukoil và giải quyết cuộc đối đầu hiện nay, nhưng chắc chắn đề xuất này sẽ không được thông qua.
Trước đó, đáng ngạc nhiên là Hungary đã từ chối lời đề nghị từ Croatia về việc sử dụng hệ thống đường ống trên lãnh thổ nước này để thay thế cho việc nhập khẩu dầu trực tiếp từ Nga.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trong cuộc họp tại Ủy ban châu Âu đã từ chối lời đề nghị do Slovakia đưa ra về nguồn thay thế dầu của Nga, điều này càng làm cuộc khủng hoảng thêm phần nghiêm trọng.
Hungary đã được EU miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga thông qua đường ống dẫn chạy trên lãnh thổ Ukraine bởi vì họ có ít nguồn thay thế, do vậy khi Kyiv chặn kênh cung cấp này đã gây ra cuộc khủng hoảng thực sự.
Tiếp đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Szijjarto đã quay sang Brussels để nhờ giúp đỡ sau khi Ukraine cấm Tập đoàn Lukoil của Nga tiếp tục sử dụng tuyến đường ống Druzhba.
Tuy nhiên EC nói không có bằng chứng cho thấy dòng chảy suy giảm hoặc có sự thiếu hụt do các nhà cung cấp khác vẫn đang sử dụng đường ống này, bao gồm cả MOL của Hungary - đây là công ty mua dầu từ Nga mà không phải chịu lệnh trừng phạt do Ukraine áp đặt.
Trước đó hôm 31/7, Tổng thống Croatia Andrej Plenkovic đã viết thư gửi EC để nói rằng đường ống dẫn dầu nối các cảng ở biển Adriatic (nơi dầu từ tàu vận tải có thể được cung cấp cho toàn bộ mạng lưới châu Âu) đang “không được sử dụng đúng mức”.
"Các nước Trung Âu không giáp biển bị ảnh hưởng sẽ có cơ hội sử dụng tuyến đường cung cấp thay thế nói trên để giảm hoặc, thậm chí loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga", ông Plenkovic nói rõ.
Tổng thống Plenkovic nói thêm rằng công ty năng lượng Janaf của Croatia - đơn vị vận hành đường ống, “sẵn sàng đàm phán các hợp đồng dài hạn với khối lượng lớn hơn để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc”.
Theo thông báo, đường ống Adria của Janaf có công suất trung chuyển 14,3 triệu tấn dầu mỗi năm sẽ trở thành một nguồn thay thế nên được tính tới.
Tuy vậy Ngoại trưởng Szijjarto đã chỉ trích bức thư của nhà lãnh đạo Croatia trên mạng xã hội, cho rằng nó được đưa ra nhằm gây áp lực lên Hungary, và bởi mong muốn của Croatia đó là kiếm tiền từ các vấn đề của Budapest.
Tất nhiên, lời đề nghị từ phía Croatia đã bị Hungary từ chối một cách thẳng thừng, bất chấp việc họ tuyên bố sắp rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng.
Diễn biến trên càng cho thấy nhận định của Ủy ban châu Âu về "sự thiếu hụt giả" mà Hungary cùng với Slovakia liên tục đề cập là có cơ sở khá vững chắc.
Việt Dũng