Đấu giá đất ở Kiến Xương, Thái Bình: Chính quyền làm sai, 10 năm chưa sửa
Trúng đấu giá đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng hơn 10 năm nay, nhiều hộ dân sinh sống tại khu Cầu Cao (xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương, Thái Bình) không thể xây nhà, mua bán, chuyển nhượng diện tích đất trên.

Căn nhà của gia đình ông Huynh đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng nhưng hiện tại không thể sửa chữa, xây thêm tầng
Đất nhà nọ chồng lên đất nhà kia
Ông Bùi Văn Huynh, Trưởng khu Cầu Cao cho biết, mấy năm trở lại đây, kinh tế phát triển nên đời sống của người dân nơi đây được nâng lên.
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, nhiều hộ dân ở khu Cầu Cao vẫn phải đều đặn gửi những lá đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền mong có thể đòi lại quyền lợi về đất đai mà họ xứng đáng được hưởng trên diện tích đất đã trúng đấu giá.
Ông Trần Xuân Đình (62 tuổi, người dân khu Cầu Cao) cho biết, xã Tây Sơn hiện tại được hợp nhất từ xã Vũ Sơn và Vũ Tây trước kia. Năm 2014, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, UBND xã Vũ Sơn khi đó đã quy hoạch diện tích đất để bán đấu giá cho người dân.
Diện tích đất được chia thành 20 lô, việc đấu giá được tiến hành công khai, minh bạch. Ông Đình cùng nhiều người dân đã tham gia và trúng đấu giá lô đất theo đúng quy định. Thời gian ngắn sau, các hộ dân trúng đấu giá đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Một thời gian sau, do có nhu cầu xây dựng nhà nên ông Đình đã thuê người đến đo đạc để xác định lại diện tích đất của gia đình. Lúc này, ông Đình mới "tá hỏa" khi được phía đơn vị đo đạc báo lại diện tích đất trúng đấu giá của gia đình ông có tọa độ thực tế và tọa độ ghi trên sổ đỏ sai lệch nhau rất nhiều.
"Theo tọa độ ghi trên sổ đỏ, diện tích đất xây dựng nhà tôi sẽ chồng sang diện tích đất nhà hàng xóm chứ không phải ở vị trí được cán bộ địa chính đo đạc, cắm mốc như trước kia", ông Đình cho biết.
Sau sự việc nhà ông Đình, các hộ dân khác trúng đấu giá cũng tiến hành đo đạc lại diện tích đất được cấp và xác định có sai lệch dẫn đến hiện trạng đất nhà nọ chồng lên đất nhà kia. Sự việc sau đó được báo cáo lên chính quyền xã Tây Sơn và huyện Kiến Xương nhưng hơn 10 năm qua, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về phương án xử lý, giải quyết.
Trong khi chờ đợi sự việc được giải quyết, ông Đình đành phải xây cất căn nhà tạm để làm nơi kinh doanh, thu mua phế liệu. "Hơn 10 năm qua, dù đất được cấp sổ đỏ đầy đủ nhưng chúng tôi lại không thể xây dựng nhà hay mua bán, chuyển nhượng.
Nhiều khi cần vốn để phát triển kinh tế gia đình, gia đình mang sổ đỏ đi làm tài sản thế chấp cũng không được chấp thuận do có sai sót giữa thực tế và trên sổ. Sắp tới, khi khi thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh thì ai sẽ là người giải quyết quyền lợi chính đáng của chúng tôi", ông Đình nói.

Ông Trần Xuân Đình cũng như nhiều hộ dân tại khu Cầu Cao mong cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm sự việc
Người dân vẫn phải chờ?
Từ khi trúng đấu giá đất đến khi phát hiện sai lệch về tọa độ thực tế và trên sổ đỏ, đã có 3 hộ gia đình xây dựng nhà trên diện tích đất trúng đấu giá. Một trong số đó là gia đình ông Bùi Văn Huynh (trưởng khu Cầu Cao).
Ông Huynh chia sẻ, thời điểm đó, sau khi trúng đấu giá đất, gia đình ông đã tiến hành xây dựng ngôi nhà 1 tầng trên diện tích đất được cấp. Quá trình xây cất, ông cũng không tiến hành đo đạc lại nên không phát hiện ra lỗi sai về vị trí đất.
"Vị trí đất của tôi nếu chính xác sẽ phải di chuyển sang bên trái và lấn vào một nửa phần đất của người em trai. Khi xây dựng căn nhà, vợ chồng tôi đã tính đến phương án làm nền móng thật chắc, cọc sắt để trong thời gian tới khi kinh tế vững sẽ xây tiếp tầng nữa. Tuy nhiên, hiện tại, gia đình tôi không thể sang sửa hay xây mới được. Sau nhiều năm, ngôi nhà giờ cũng không thể sửa chữa được", ông Huynh cho hay.
Đáng nói hơn, khu đất của gia đình ông Huynh nằm ở vị trí mặt đường, thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán. Một vài năm trở lại đây, đã có nhiều người đến ngỏ ý hỏi mua, gia đình ông Huynh cũng muốn bán mảnh đất để chuyển đến nơi khác sinh sống nhưng không được.
Theo ông Huynh, việc sai lệch vị trí đất không những khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ dẫn đến tranh chấp đất đai giữa các hộ dân. Bởi thế, những hộ dân như gia đình ông Huynh, ông Đình đang rất cần cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm sự việc để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Lãnh đạo UBND xã Tây Sơn xác nhận có sự việc đúng như người dân đã phản ánh. Nguyên nhân được cho là vào năm 2014, khi đấu giá 20 lô đất, có 5 lô chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng.
Thời điểm đó, cán bộ xã và cán bộ địa chính đã tránh các khu đất chưa giải phóng, tự chia lại các lô đất, dẫn đến việc lệch tọa độ giữa thực tế và sổ đỏ. Khi phát hiện những sai sót trên, chính quyền xã Vũ Sơn cũ đã có báo cáo gửi UBND huyện Kiến Xương để xin điều chỉnh lại vị trí các lô đất đã bán đấu giá.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc điều chỉnh lại gặp phải vướng mắc khiếu kiện. Sau đó, do sáp nhập xã, vấn đề này đã bị bỏ ngỏ và chưa được giải quyết cho đến nay.
Thông tin với phóng viên Báo PNVN, một người dân cho biết, trước những phản ánh của người dân, chính quyền xã Tây Sơn và chính quyền huyện Kiến Xương từng gặp gỡ người dân để tìm phương án tháo gỡ. Tuy nhiên, giữa các bên không tìm được tiếng nói chung về các phương án được đưa ra.
"Thứ nhất, cơ quan chức năng đề xuất hoàn lại số tiền mà người dân đã bỏ ra để mua lô đất. Tuy nhiên, phương án này có vướng mắc khi giá trị lô đất bây giờ khác xa so với hơn 10 năm về trước. Còn điều nữa là tiền trả lại dân được lấy từ đâu hay lại lấy từ ngân sách mà dân đã đóng góp?
Thứ hai là phương án chia lại đất theo đúng vị trí đã cấp trong sổ đỏ. Theo phương án này, với những nhà dựng tạm sẽ không bị ảnh hưởng gì mấy nhưng những gia đình đã xây nhà kiên cố thì rất khó để có kinh phí xây dựng một nơi ở mới", người dân này chia sẻ.